ảnh minh họa
Theo báo cáo, trong năm 2022, trên toàn thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, giảm so với 1,32 tỷ người trong năm 2018. Con số này dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025, tương đương mức giảm khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 7 năm, ngay cả khi dân số toàn cầu gia tăng. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên trên thế giới dự kiến giảm xuống còn 20% vào năm 2025, so với mức hơn 30% ghi nhận vào năm 2000.
Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định xu hướng giảm này là rất "đáng khích lệ". Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát thuốc lá.
Số liệu của WHO cho thấy mỗi năm trên thế giới có hơn 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
Trong báo cáo mới công bố, WHO cảnh báo số người tử vong do thuốc lá mỗi năm sẽ tiếp tục gia tăng ngay cả khi tình trạng sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm dần. WHO đồng thời hoan nghênh việc 60 quốc gia trên thế giới đang trên tiếntrình hướng tới mục tiêu 30% số người hút thuốc lá từ năm 2010 đến năm 2025. Khi tổ chức này công bố số liệu cách đây hai năm, con số này chỉ là 32 quốc gia.
WHO kêu gọi các quốc gia mở rộng quy mô triển khai các biện pháp đã được công nhận là có thể giảm tình trạng sử dụng thuốc lá, như thực thi lệnh cấm quảng cáo, dán nhãn cảnh báo về sức khỏe trên bao bì thuốc lá, tăng thuế thuốc lá và cung cấp hỗ trợ cho những người muốn bỏ thuốc lá.