ảnh minh họa
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, khuyến cáo các quốc gia nếu cho phép thuốc lá điện tử thì cần quản lý chặt để hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Số liệu từ Bộ Y tế, sau nhiều năm áp dụng các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam giảm từ 53% nam giới trưởng thành còn trên 45%, nữ giảm từ 2% xuống 1,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng, đặc biệt trong giới trẻ.
Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á, đa phần thuốc lá điện tử chứa nicotine - chất gây nghiện cao. Chất này có thể gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ung thư. Sử dụng nicotine quá liều sẽ ngộ độc.
Thuốc lá điện tử còn chứa glycerin, propylene glycol và hơn 15.500 loại hương liệu. Propylene glycol được xem là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít, có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.
Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn liên quan đến nhồi máu cơ tim, tổn thương phổi. Số liệu từ các quốc gia cho thấy nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử bị viêm phổi cấp nguy kịch, trong đó 39 ca tử vong.
Thuốc lá điện tử tiện dụng với ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người dùng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine, nguy cơ ngộ độc cấp tính. Chưa kể, tình trạng tội phạm trộn ma túy vào thuốc lá điện tử, hướng vào học sinh, sinh viên, rất phức tạp.
WHO kêu gọi các quốc gia hành động kịp thời để bảo vệ giới trẻ, không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn. Các quốc gia tuyên truyền thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện.
Bộ Y tế phối hợp Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn tổ chức cuộc thi Thanh niên Việt Nam nói "không" với thuốc lá và thuốc lá điện tử - No Smoking Challenge năm 2020. Người không quá 35 tuổi, tham gia bằng những video trình diễn hành động hoặc điệu nhảy tuyên truyền tuổi thanh thiếu niên. Cuộc thi nhân Ngày Thế giới không khói thuốc lá 31/5.