V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 04/02/2021 10:37

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 427/BDN ngày 18/12/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh:Kiến nghị Chính phủ cần tăng cường quản lý chặt chẽ các nền tảng số nước ngoài, đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước. Sớm ban hành quy định về quản lý các doanh nghiệp kinh doanh mạng có nội dung xuyên biên giới. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, tăng cường quản lý nhà nước đối với mạng xã hội.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

* Về kiến nghị tăng cườngquản lý chặt chẽ các nền tảng số nước ngoài, đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước:

1. Về tăng cường quản lý chặt chẽ các nền tảng số nước ngoài:

Thời gian qua, đã có tình trạng lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube để đăng tải, chia sẻ các bài viết chống Đảng, chống Nhà nước;tuyên truyền, vận động, hướng dẫn những người nhẹ dạ, tin theo các “tà đạo”, “đạo lạ”, các hội nhóm, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh quản lý mạng Internet, mạng xã hội và thông tin trên mạng như:

- Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung cụ thể, chi tiết hóa nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng, tăng hình thức và các mức xử phạt để đủ sức răn đe nêu cụ thể một số điều khoản tăng mức xử phạt đối với các video phản cảm, độc hại.

- Bộ TTTT đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin độc hại đối với trẻ em.

- Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Các cơ quan chức năng của Bộ TTTT đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ về kỹ thuật nhằm xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước.

- Chủ động đàm phán, quyết liệt đấu tranh với Google và Facebook, buộc hai doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai mạng xã hội này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, việc hợp tác của hai doanh nghiệp này đã có nhiều tiến triển, đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ TTTT.

Kết quả thực hiện:

* Đối với Facebook đã nâng tỷ lệ gỡ chặn đạt tới 95%. Kết quả từ đầu năm 2018 đến ngày 15/01/2021: Facebook đã ngăn chặn, gỡ: 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức chuyên tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam; 4.718 bài viết; 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống pháp Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

 Facebook đã thực hiện đúng cam kết, triển khai gỡ bỏ 100% tin giả, tài khoản giả mạo Bộ Y tế để đưa tin giả về liên quan đến Covid-19; nâng tỷ lệ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.

* Đối với Youtube: Tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 87%. Kết quả từ đầu năm 2018 đến ngày 15/01/2021: YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 31.044 video vi phạm; 24 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước với hàng nghìn video mỗi kênh.

* Về xử lý vi phạm hành chính: Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ TTTT, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương đã xử lý các trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật trên môi trường mạng (trừ báo chí điện tử):

+ 26 vụ việc nhắc nhở.

+ 45 vụ việc xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền là 323.500.000 VNĐ.

2. Về đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước:

Năm 2018, Bộ TTTT đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số Việt Nam với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển 05 nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm: Tìm kiếm thông tin; Mạng xã hội; Trình duyệt Web; Hệ điều hành; Phần mềm chống mã độc nhằm nghiên cứu tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, thông tin thị trường và tham mưu, đề xuất về lộ trình, biện pháp cụ thể để thúc dẩy phát triển hệ sinh thái số Việt Nam. Tổ công tác đã làm việc với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu kinh nghiệm và hướng phát triển trong đó tập trung vào 02 nội dung chính là Mạng xã hội và Công cụ tìm kiếm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT các mạng xã hội trong nước đã có sự phát triển vượt bậc. Tính đến tháng 12/2020, các mạng xã hội của Việt Nam đã có số lượng người dùng đạt hơn 90 triệu, các mạng xã hội điển hình như: Zalo, Lotus, Gapo, Mocha,...

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ dành sự ưu tiên cho các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chứng minh được năng lực của mình trên thị trường. Bộ TTTT sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo ra những “đơn vị tiên phong” đủ mạnh để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.

* Về kiến nghị sớm ban hành quy định về quản lý các doanh nghiệp kinh doanh mạng có nội dung xuyên biên giới. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, tăng cường quản lý nhà nước đối với mạng xã hội

Năm 2016, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, từ đó lần đầu tiên thiết lập đầu mối, cơ chế làm việc với các mạng xã hội xuyên biên giới lớn của nước ngoài bao gồm YouTube và Facebook.

Năm 2020, Bộ TTTT đã tham mưu và trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tại Nghị định này đã bổ sung một số hành vi mới vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử, nâng mức xử phạt và hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc hơn trong quá trình xử lý vi phạm, một số hành vi xử phạt được quy định cụ thể, sát với thực tế vi phạm xảy ra hiện nay. Cụ thể:

Các hành vi vi phạm như: cung cấp, phát tán, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn trên mạng xã hội, trên trang thông tin điện tử đều đã được tăng nặng mức phạt so với quy định trước đây, cụ thể:

- Đối với các hành vi vi phạm quy định về trang thông tin điện tử:

+ Tại điểm a, khoản 3, Điều 99 quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

- Khoản 3 Điều 100 quy định đối với các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Chủ động cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Chủ động cung cấp thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Chủ động lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;

e) Chủ động đăng, phát, truyền đưa, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;

g) Chủ động đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

h) Chủ động quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

i) Không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật.

- Khoản 1 Điều 101 quy định về mức xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Một số hành vi vi phạm còn bị xử phạt từ 150 triệu đến 200 triệu là mức tiền phạt tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: bị tước quyền sử dụng giấy phép, buộc gỡ bỏ ngay nội dung thông tin đã tổng hợp khi nguồn thông tin được trích dẫn đã gỡ bỏ nội dung thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Thời gian qua, Bộ TTTT đã kiên quyết đấu tranh, đề nghị Facebook, Google và Youtube phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong năm 2020, Tỷ lệ gỡ chặn trên Facebook đạt 95%; trên Google (Youtube) đạt 87%.

- Hiện nay, đã có các quy định về quản lý các doanh nghiệp kinh doanh mạng có nội dung xuyên biên giới tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP và Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT. Hiện nay, Bộ TTTT đang được Chính phủ giao xây dựng và trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Trong đó đề xuất các nội dung nhằm quản lý chặt chẽ hơn các nội dung xuyên biên giới. Sau khi Nghị định được ban hành, Bộ sẽ tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái để trả lời cử tri./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top