V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 20/08/2020 17:14

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020, nội dung kiến nghị như sau:
 
Câu hỏi 1:Cử tri đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện Điều 6, Luật Báo chí về công tác khen thưởng và kỷ luật, thẩm quyền đánh giá, nhận xét nội dung thông tin, hoạt động báo chí, thẩm quyền xem xét khen thưởng, kỷ luật. Quy định cụ thể hơn về nhân sự, cơ chế quản lý của Trưởng Văn phòng đại diện với phóng viên, cộng tác viên (theo điều 22, Luật Báo chí) để giải quyết thực tế Trưởng Văn phòng đại diện không đại diện tư cách pháp nhân để giới thiệu cho phóng viên đi tác nghiệp. Quy định cụ thể việc thực hiện Điều 5, Luật Báo chí 2016: Quyền, thủ tục, trách nhiệm hoạt động của phóng viên, cộng tác viên chưa có thẻ nhà báo; cơ chế phối hợp công tác giữa cơ quan văn phòng đại diện của các báo tại địa phương với cơ quan quản lý báo chí tại địa phương.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xin trả lời như sau:
 
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định, cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết.
 
Các quy định của Luật báo chí năm 2016 đã cụ thể, chi tiết và có hiệu lực trực tiếp.
 
Tại Điều 6 Luật Báo chí 2016 quy định nội dung quản lý nhà nước về báo chí, trong đó có nội dung: Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí; Chỉ đạo, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động báo chí; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí.
 
Thẩm quyền thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về báo chí (bao gồm đánh giá, nhận xét nội dung thông tin, hoạt động báo chí, khen thưởng, kỷ luật…) thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
 
Tại Điều 7 Luật Báo chí quy định cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, gồm: 
 
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
 
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
 
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
 
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.
 
Sau hơn 3 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, trong đó có vấn đề liên quan đến văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của phóng viên, cộng tác viên….
 
Bộ TTTT đang xem xét việc trong thời gian tới lập đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.
 
Câu hỏi 2:Cử tri đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu, ban hành văn bản quy định cụ thể mục chi riêng về công nghệ thông tin trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước theo khoản 4, Điều 62, Luật Công nghệ thông tin.
 
Trả lời:
 
Trong mục lục ngân sách Nhà nước (NSNN) do Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 324/TT-BTC ngày 21/12/2016 đã quy định về loại, khoản chi cho lĩnh vực công nghệ thông tin (Loại 280 – Các hoạt động kinh tế có Khoản 314 – Công nghệ thông tin) để phản ánh chi cho công nghệ thông tin (CNTT) khi các đơn vị sử dụng ngân sách được giao theo các lĩnh vực chi để mua sắm sản phẩm CNTT, đào tạo, tập huấn, hội thảo, … về CNTT nhằm phục vụ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình. Về nội dung chi, Mục lục NSNN hiện hành đã có các tiểu mục 6912, 6956, 7053, 7054 và 9356 cơ bản đã đáp ứng việc hạch toán, thống kê các khoản chi NSNN cho hoạt động mua sắm, sửa chữa, đầu tư về ứng dụng CNTT. Do đó, về phương diện mục lục NSNN đã được Bộ Tài chính quy định, có thể hạch toán thống kê kết quả chi cho CNTT.
 
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trong hệ thống chỉ tiêu lập, giao dự toán NSNN chưa có chỉ tiêu dự toán riêng về ứng dụng và phát triển CNTT; khó khăn này xuất phát từ quy định tại Luật NSNN hiện hành về nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp (Điều 36, Điều 38) chưa quy định nhiệm vụ chi riêng cho ứng dụng và phát triển CNTT; do đó, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN, hệ thống biểu mẫu báo cáo, giao dự toán,… chưa có quy định riêng chỉ tiêu nhiệm vụ chi về CNTT.
 
Trước mắt, đề nghị các cơ quan tài chính các cấp khi giao dự toán chi ngân sách có ghi chú cụ thể khoản chi về CNTT để các cơ quan được giao dự toán biết thực hiện và cung cấp số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước về TTTT phối hợp theo dõi. Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để xem xét bổ sung chỉ tiêu phân bổ, giao dự toán chi cho CNTT khi sửa Luật NSNN.
 
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình để trả lời cử tri./.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top