V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ hai, 11/01/2021 17:16

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Câu hỏi 1:Cử tri phản ánh tình trạng dây cáp viễn thông chằng chịt, gây quá tải trên các trụ điện dẫn đến nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm cho người dân, ảnh hưởng đến giao thông và mất mỹ quan từ đô thị đến nông thôn. Cử tri đề nghị Bộ TTTT có giải pháp đồng bộ, chỉ đạo tổng rà soát loại bỏ các dây cáp cũ không còn sử dụng, tiến tới ngầm hóa mạng viễn thông trong cả nước.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Trong thời gian qua, nhằm bảo đảm việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thôngđáp ứng các yêu cầu về an toàn xây dựng, mỹ quan đô thị, Bộ TTTT đã triển khai nhiều giải pháp như:

- Phối hợp với Bộ Xây dựng tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trong đó đã yêu cầu “Đối với đô thị mới, khu đô thị mới, chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

- Ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương, trong đó các địa phương, các doanh nghiệp khi xây dựng quy hoạch hạ tầng cột treo cáp và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm phải đặt mục tiêu “từng bước hạn chế việc treo cáp viễn thông; tăng cường sử dụng chung cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; đồng thời triển khai kế hoạch ngầm hóa cáp trên địa bàn trong thời hạn của quy hoạch nhằm tiến đến một không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn không có cáp treo, hoặc hạn chế cáp treo đến mức thấp nhất”. Đồng thời đề nghị các địa phương, trên cơ sở tình hình thực tiễn tại tỉnh/thành phố, xác định rõ các khu vực, tuyến đường phố phải xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

- Ban hành QCVN 33:2019/BTTTT (trước đây là QCVN 33: 2011/BTTTT) trong đó đã nêu rõ các quy định về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông và các thiết bị phụ trợ, nhằm bảo đảm an toàn cho mạng cáp, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân cũng như đáp ứng các yêu cầu về quản lý vàmỹ quan công trình, đô thị.

- Ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11/11/2019 về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) trong đó đã yêu cầu các DNVT tiến hành “Thanh thải, chỉnh trang, bó gọn, hạ ngầm cáp viễn thông để tăng cường mỹ quan, an toàn và tối ưu hóa dung lượng, tải trọng cáp để có thể chia sẻ, sử dụng chung hệ thống cống bể cáp, cột treo cáp”.

Triển khai các quy định nêu trên, nhiều tỉnh, thành phố (như các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng; các tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hải Dương, Thái Bình, Cần Thơ, Bình Dương, Bắc Ninh, …) đã ban hành Kế hoạch và triển khai việc chỉnh trang, ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông, cáp điện lực tại nhiều khu vực, tuyến đường phố[1].

Nhằm phát huy các kết quả nêu trên, tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ TTTT sẽ tiếp tục hướng dẫn các Sở TTTT, doanh nghiệp viễn thông khẩn trương triển khai các biện pháp rà soát, thanh thải, chỉnh trang, bó gọn, hạ ngầm cáp viễn thông. Đồng thời, Bộ TTTT sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Câu hỏi 2:Hiện nay, các video phản cảm, độc hại gây tác động xấu đến các thanh thiếu niên độ tuổi từ nhỏ tới mới lớn, học sinh các cấp là mối nguy hại rất lớn cho nhận thức của cả một thế hệ trẻ Việt Nam. Thế nhưng quá trình kiểm duyệt vẫn còn rất lỏng lẻo, bỏ sót nhiều và mức xử phạt thực tế còn quá nhẹ không đủ sức răn đe. Đề nghị, Bộ TTTT phối hợp Bộ Công an có giải pháp cấp thiết, phù hợp tăng chế tài xử phạt khi vi phạm và tái phạm nhằm giảm thiểu tối đa các video phản cảm, độc hại lan truyền trên mạng xã hội.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, chủ yếu do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là mạng xã hội YouTube có xuất hiện nhiều video có nội dung phản cảm, độc hại, gây tác động xấu đến thế hệ thanh thiếu niên. Nắm bắt được thực trạng này, Bộ TTTT đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh, xử lý, cụ thể:

* Bộ TTTT có các văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, Công ty Google, các công ty của Việt Nam là Mạng lưới đa kênh (Multi channel network – MCN) của YouTube đề nghị rà soát, chấn chỉnh tình trạng này:

- Đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

+ Phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi sản xuất, phát tán các video clip vi phạm.

+ Chủ động thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) các bài viết, video clip trên mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật để Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) yêu cầu các mạng xã hội, nhất là các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ.

- Đề nghị Google:

+ Ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), nhằm bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, và cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung có uy tín tại Việt Nam. Nếu kênh tiếp tục vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) sẽ đề nghị YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ kênh.

+ Tăng cường bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ để tiến hành ngăn chặn, gỡ bỏ.

+ Xem xét, yêu cầu các kênh YouTube được bật kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các MCN của YouTube tại Việt Nam, đồng thời tăng số lượng MCN nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các kênh này.

- Đề nghị các Công ty của Việt Nam là MCN - mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam:

+ Tăng cường rà soát, chấn chỉnh các kênh YouTube thuộc mạng lưới quản lý của mình; yêu cầu các chủ kênh YouTube tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp, quản lý nội dung và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến thuế. Không đăng tải các video clip có nội dung vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, ví dụ như các kênh, video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ nhưng có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ súy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực, giang hồ mạng...

+ Tăng cường giám sát, bổ sung nhân sự, bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung vi phạm để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, Bộ TTTT cũng đã phối hợp với Bộ Công an rà soát, lập danh sách các kênh vi phạm để yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng chủ kênh YouTube và các MCN vi phạm, yêu cầu Google ngừng chia sẻ tiền quảng cáo hoặc gỡ bỏ kênh tùy theo mức độ vi phạm.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để trả lời cử tri./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top