V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 04/02/2021 09:53

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 427/BDN ngày 18/12/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Câu hỏi 1: Việc các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 2934/BTTTT-BC ngày 31/8/2018 và văn bản số 784/BTTTT-BC ngày 20/3/2019 của Bộ TTTT hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bưu chính, đã không thông báo hoạt động đến Sở TTTT tại địa phương và không thực hiện kiểm tra gói kiện hàng hóa trước khi chấp nhận. Do đó, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh bưu chính trên địa bàn; khó khăn trong việc yêu cầu doanh nghiệp bưu chính kiểm tra gói kiện hàng hóa nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Đề nghị Bộ TTTT có hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

1. Liên quan đến việc quản lý địa điểm kinh doanh hoạt động bưu chính trên địa bàn:Ngày 03/9/2020, Bộ TTTT đã có công văn số 3417/BTTTT-BC gửi các Sở TTTT về biện pháp quản lý đối với địa điểm kinh doanh, đại lý, nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính và công văn số 3477/BTTTT-BC ngày 09/9/2020 gửi các doanh nghiệp bưu chính về báo cáo thống kê của doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính; theo đó, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp bưu chính có trách nhiệm phải báo cáo thống kê về tình hình hoạt động tới Sở TTTT theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016, Thông tư số 10/2018/TT-BTTTT ngày 29/6/2018, cụ thể tại mục 4 Điều 2 quy định Kỳ báo cáo thống kê:

a) Báo cáo thống kê tháng được tính bắt đầu từ ngày 01 của tháng cho đến hết ngày cuối cùng của tháng;

b) Báo cáo thống kê quý được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu tiên của quý cho đến hết ngày cuối cùng quý báo cáo đó;

c) Báo cáo thống kê 6 tháng được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 30 tháng 6;

d) Báo cáo thống kê năm được tính bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 cho đến hết ngày 31 tháng 12 của năm.

2. Liên quan đến thực hiện quy định về “Kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận”:

- Ngày 31/8/2020, Bộ TTTT đã có văn bản số 2934/BTTTT-BC hướng dẫn khoản 3 Điều 29 Luật Bưu chính, theo đó nội dung “kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận” tại khoản 3 Điều 29 Luật Bưu chính được coi là quyền của doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có sở cứ pháp lý để yêu cầu người gửi khai báo về nội dung gói, kiện hàng hóa cũng như có quyền kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận (mở gói, kiện hàng hóa để kiểm tra hoặc kiểm tra bằng các công cụ, phương tiện phù hợp) nhằm thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm về bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động bưu chính được quy định tại Điều 7 (khoản 2), Điều 11 (điểm a khoản 1), Điều 12, Điều 14, Điều 29 (khoản 4, khoản 8) Luật bưu chính.

- Trường hợp doanh nghiệp bưu chính không thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ (trong đó có việc thực hiện quyền kiểm tra gói, kiện hàng hóa theo luật định) thì khi bưu gửi bị cơ quan chức năng phát hiện có chứa vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã vi phạm quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Câu hỏi 2: Việc xác minh chủ sở hữu của số điện thoại quảng cáo sai quy định gặp khó khăn (số điện thoại có thông tin thuê bao không chính xác) dẫn đến không thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong khi thu hồi số điện thoại lại là hình thức xử phạt bổ sung nên theo Luật Xử lý vi phạm hành chính  không thể áp dụng khi không có hình thức xử phạt chính (quy định tại Điều 32 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ bổ sung điểm c khoản 10 Điều 94 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử). Đề nghị Bộ TTTT đưa ra hướng giải quyết việc này.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Trường hợp xác định số điện thoại có thông tin thuê bao không chính xác, cơ quan có thẩm quyền áp dụng Khoản 3 (điểm a), Khoản 4 Điều 33  của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử để xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho số thuê bao đó, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các số thuê bao từ 10 tháng đến 12 tháng” theo điểm b Khoản 13 Điều 33 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

- Tại Khoản 3 (điểm a) Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động do vi phạm một trong các hành vi sau đây trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 01 đến 10 SIM: a) Cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác.

- Tại Khoản 4 Điều 33 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền đối với doanh nghiệp viễn thông di động do vi phạm một trong các hành vi quy định tại khoản 3 Điều này theo mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 11 đến 20 SIM;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 21 đến 30 SIM;

c) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 31 đến 40 SIM;

d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp số lượng SIM vi phạm từ 41 SIM trở lên.

Câu hỏi 3: Việc cấp phép đối với trang thông tin điện tử tổng hợp ngày 29/10/2019, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản số 3835/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó có yêu cầu từ ngày 01/11/2019 tạm dừng cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp nhưng đến nay chưa có văn bản cho phép cấp phép lại trong khi thực tế 01 năm qua phát sinh nhiều yêu cầu xin được cấp phép từ phía các doanh nghiệp. Đề nghị Bộ TTTT ban hành văn bản hướng dẫn việc cấp phép lại đối với trang thông tin điện tử tổng hợp.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 26/11/2019, Bộ TTTT đã ban hành công văn số 490/BTTTT-PTTH&TTĐT (văn bản mật) thay thế công văn số 3835/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 29/10/2019 về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp. Theo đó hoạt động cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được thực hiện bình thường.   

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồngđể trả lời cử tri./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top