V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 04/02/2021 10:07

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 427/BDN ngày 18/12/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh:Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020, thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy một số khó khăn, bất cập, cụ thể: Tại Điều 116, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an nhân dân, theo đó giao quyền cho: Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Trạm trưởng, Đội trưởng của cán bộ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất; Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng một số phòng trong Công an tỉnh; giám đốc Công an cấp tỉnh; Cục trưởng một số Cục thuộc Bộ Công an. Tuy nhiên, tại Điều 120 của Nghị định này khi phân định thẩm quyền xử phạt cho lực lượng Công an nhân dân lại không phân quyền cho một số chức danh, cụ thể: Cán bộ chiến sỹ đang thi hành công vụ; Trạm trưởng, Đội trưởng của cán bộ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Trưởng phòng một số phòng trong Công an tỉnh. Điều này là bất hợp lý, đồng thời sẽ gây khó khăn cho Công an các đơn vị địa phương trong việc xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử vì các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố không trực tiếp được phân quyền xử phạt mà phải là Giám đốc Công an tỉnh. (Nghị định số 174 Trưởng các phòng nghiệp vụ, Trưởng CA các huyện, thành phố đều có thẩm quyền xử phạt). Bên cạnh đó, việc áp dụng Điều 120 cũng làm hạn chế thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân (ví dụ: Không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi quy định tại Khoản 3, Điều 35; điểm a, Khoản 2, Điều 100…). Trên thực tế, quá trình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, các lực lượng sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt để xử lý đối với từng hành vi, do đó việc phân định thẩm quyền tại Điều 120 là không cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bãi bỏ điều này trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP để phù hợp với thực tế.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Việc phân định thẩm quyền tại Điều 120 căn cứ vào khoản 3 Điều 5 văn bản hợp nhất số 210/VBHN-BTP ngày 19/01/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi thành luật xử lý vi phạm hành chính quy định: "Trường hợp nghị định xử phạt vi phạm hành chính có quy định nhiều chức danh tham gia xử phạt thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, thì phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các chức danh đó đối với từng điều khoản cụ thể".

Hiện nay, Bộ TTTT đã đăng ký với Chính phủ xây dựng “Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm và sửa đổi Điều 120 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông” vào Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2021 và kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021. Cụ thể:

Chế tài và hành vi vi phạm trong hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản đã được xây dựng trong dự thảo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật và đã được Thành viên cho ý kiến. Do mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm chưa được quy định tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính, vì vậy nội dung này được tách ra chờ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (có quy định mức tiền phạt tối đa của lĩnh vực in) được thông qua (dự kiến tháng 11/2020).

Sau khi Luật sửa đổi bổ sung được thông qua, Bộ TTTT báo cáo đề xuất Thủ tướng cho phép xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung theo trình tự rút gọn để kịp thời ban hành ngay sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực pháp luật (dự kiến tháng 04/2021).

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình để trả lời cử tri./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top