V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ hai, 11/01/2021 17:10

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh: Cử tri cho rằng các bộ, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các thông tin, đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần được chú trọng, phải được thực hiện sớm chứ không chỉ đi sau, xử lý như hiện nay.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,Bộ TTTT đã phối hợp với các bộ, ngành nhất là Bộ Công an triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý mạng Internet, mạng xã hội và thông tin trên mạng như:

- Đẩy mạnh việc rà quét nhằm phát hiện kịp thời các nguồn phát tan thông tin xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước để có biện pháp xử lý phù hợp;

- Tiếp tục đàm phán, quyết liệt đấu tranh với Google và Facebook, buộc hai doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai mạng xã hội này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, việc hợp tác của hai doanh nghiệp này đã có nhiều tiến triển, đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ TTTT.

+ Facebook đã nâng tỷ lệ gỡ chặn đạt tới 95%năm 2020 Facebook đã gỡ gần 2.488 bài viết, 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

+ Google cũng đã nângtỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt tới 87%. Trên YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 29.792 video vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước với hàng nghìn video mỗi kênh, tỷ lệ gỡ chặn trong tháng 11 là 87%).

- Tăng cường xử lý nghiêm các đối tượng trong nước có hành vi tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước theo các quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dich điện tử, nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng, với các hình thức từ xử phạt hành chính cho đến chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ TTTT, Sở TTTT các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương đã xử lý các trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật trên môi trường mạng (trừ báo chí điện tử):

+ 26 vụ việc nhắc nhở.

+ 45 vụ việc xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền là 323.500.000 VNĐ.

- Nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền để từng người sử dụng có ý thức, có trách nhiệm khi cung cấp và sử dụng thông tin trên môi trường mạng, trong thời gian qua, Bộ TTTT đã chú trọng công tác này, thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội thông qua giao ban với lãnh đạo các cơ quan báo chí vào sáng 3 hàng tuần; nghiên cứu, triển khai các phương thức tuyên truyền khác nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.

Cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thông tin mạng cần thiết đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và đề kháng cho người dùng để họ không chia sẻ, tiếp cận thông tin xấu độc, từ đó hình thành cơ chế tự điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực.

Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của nhà nước. Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, ứng xử để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tế trong nước, Bộ TTTT thấy cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng người dân sử dụng mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội. Hiện nay, Bộ TTTT đã có Tờ trình báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử. Dự kiến Bộ TTTT sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong tháng 12/2020.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ kết hợp nhiều biện pháp, cả “cứng” và “mềm” để quản lý mạng Internet, mạng xã hội. Với mục tiêu là đảm bảo cho không gian mạng phát triển an toàn, lành mạnh.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương để trả lời cử tri./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top