V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ hai, 11/01/2021 17:20

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Câu hỏi 1:Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trong đó quy định chi tiết quản lý nhà nước ở địa phương đối với Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí, quy định các cơ quan báo chí có phóng viên, cộng tác viên hoạt động độc lập.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Các vấn đề liên quan đến Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú được quy định tại Điều 22 Luật Báo chí năm 2016.Ngày 04/12/2019, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật báo chí năm 2016 với sự tham dự của đại diện các cơ quan chủ quản báo chí, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các cơ quan báo chí.Qua đánh giá tác động và thực tiễn thi hành Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Luật đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí và công tác quản lý báo chí, đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Bộ TTTT ghi nhận ý kiến của cử tri Hà Tĩnh; trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tổng kết việc thi hành Luật Báo chí năm 2016 để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016, trong đó có nội dung quy định rõ hơn về Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

 Trước mắt, để tăng cường quản lý Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, Bộ TTTT đã có văn bản số 3404/BTTTT-CBC ngày 01/9/2020 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở TTTT có báo cáo đánh giá hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương định kỳ 06 tháng/1 lần. Đồng thời, từ ngày 01/12/2020, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực, Sở TTTT các tỉnh, thành phố đã có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí liên quan đến địa phương kể cả báo chí ở Trung ương. Trong quá trình xem xét cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025, Bộ TTTT đã tham vấn ý kiến của Sở TTTT địa phương đối với phóng viên thường trú, đảm bảo chặt chẽ trong quá trình xét duyệt hồ sơ.

Câu hỏi 2:Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012, trong đó xem xét bổ sung, điều chỉnh quy định nộp lưu chiểu tại Sở TTTT và Thư viện cấp tỉnh; quy định dịch thuật tài liệu, chi phí cho Hội đồng thẩm định, quy định việc tiêu hủy, tái xuất… đối với thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; quy định bản sao có chứng thực giấy phép in xuất bản phẩm của doanh nghiệp in để kiểm tra, đối chiếu; bổ sung vào Điều 10 Luật Xuất bản "các sản phẩm in không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật" và đưa nội dung này vào chế tài xử lý vi phạm hành chính.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

- Đối với nội dung “bổ sung, điều chỉnh quy định nộp lưu chiểu tại Sở TTTT và Thư viện cấp tỉnh”

 + Việc nộp lưu chiểu để phục vụ công tác đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, đã được phân cấp theo quy định tại Điều 29 Luật Xuất bản, theo đó UBND cấp tỉnh (Sở TTTT) có trách nhiệm kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu do mình cấp phép xuất bản. Vì vậy, tại Điểm b, khoản 1 Điều 28 Luật Xuất bản đã quy định: Cơ quan, tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản phải nộp hai bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và một bản cho Bộ TTTT; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp một bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, một bản cho Bộ TTTT.

 + Việc nộp xuất bản phẩm để phục vụ công tác lưu trữ theo nguyên tắc một đầu mối là Thư viện Quốc gia, đã quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Xuất bản: Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày xuất bản phẩm được phát hành, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản phải nộp ba bản cho Thư viện Quốc gia; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp hai bản (bao gồm cả xuất bản phẩm do UBND cấp tỉnh (Sở TTTT) cấp phép)Căn cứ các quy định pháp luật về thư viện, Thư viện Quốc gia có thể phân bổ các xuất bản phẩm về các Thư viện cấp tỉnh cho phù hợp.

- Đối với nội dung “Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định bản sao có chứng thực giấy phép in xuất bản phẩm của doanh nghiệp in để kiểm tra, đối chiếu”:

Luật Xuất bản năm 2012 chỉ quy định việc cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm (bản chính) cho cơ sở in có đủ điều kiện hoạt động in theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra giấy phép hoạt động in của cơ sở in là kiểm tra bản chính, không kiểm tra bản sao.

Về kiến nghị bổ sung “quy định bản sao có chứng thực giấy phép in xuất bản phẩm của doanh nghiệp in để kiểm tra, đối chiếu”:Quy định về bản saochỉ được quy định trong thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính. Tại Khoản 3 Điều 34 Luật Xuất bản về In gia công xuất bản phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có quy định thủ tục hành chính để thực hiện, trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài đã có quy định này “Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm” (điểm c khoản 3 Điều 34). Liên quan đến kiến nghị này, Bộ TTTT đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai Sơ kết Luật Xuất bản 2012. Căn cứ vào kết quả sơ kết, Bộ sẽ xây dựng các phương án hoàn thiện hành lang pháp luật trong hoạt động xuất bản cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

-Đối với nội dung “Đề nghị bổ sung vào Điều 10 Luật Xuất bản "các sản phẩm in không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật":

Luật Xuất bản năm 2012 chỉ điều chỉnh sản phẩm in là xuất bản phẩm, không điều chỉnh các sản phẩm in khác (không phải xuất bản phẩm). Nội dung đề nghị bổ sung này đã có trong Luật.

Đối với thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật được thể hiện dưới hình thức “Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (Điểm đ, khoản 1 Điều 10).

Đối với xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc được thể hiện “In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm” (điểm c khoản 2 Điều 10) và “Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp” (điểm d khoản 2 Điều 10).

Những nội dung trên đã được cụ thể hóa xử lý vi phạm hành chính tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

- Đối với nội dung“Đề nghị bổ sung, điều chỉnh quy định dịch thuật tài liệu, chi phí cho Hội đồng thẩm định, quy định việc tiêu hủy, tái xuất… đối với thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh”.

Hiện nay, Bộ TTTT đã tổ chức Sơ kết 07 năm triển khai thi hành Luật Xuất bản 2012, trong đó có có tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bộ TTTT sẽ báo cáo xin ý kiến của Quốc hội và Chính phủ về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012.

Câu hỏi 3:Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Bộ TTTT phối hợp với các bộ ngành có liên quan đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Việc ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng trong quản lý hoạt động báo chí theo hướng: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động báo chí; Điều chỉnh các quy định theo hướng khoa học, đồng bộ, chặt chẽ hơn; Bổ sung, phân định rõ ràng hơn thẩm quyền của các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Công an, ngoại giaorạch ròi, rõ ràng hơn để dễ áp dụng, tránh chồng lấn, lạm quyền. Đặc biệt quy định mở rộng thẩm quyền cho lực lượng thanh tra Sở TTTT, theo đó Chánh thanh tra Sở TTTT có thẩm quyền xử lý đối với tất cả các cơ quan báo chí bao gồm cả cơ quan báo chí Trung ương và cơ quan báo chí của địa phương khác.

Câu hỏi 4:Đề nghị ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Triển khai nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định được quy định tại Điều 124 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Bộ TTTT đã tổ chức 03 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn việc áp dụng Nghị định số 15/2020/NĐ-CP  (02 lần trực tuyến và 01 lần trực tiếp) cho các Cục có chức năng, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc Bộ, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có Sở TTTT tỉnh Hà Tĩnh), Phòng Văn hóa, Thông tin một số tỉnh/thành phố và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở đưa tin, phổ biến, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó Thanh tra Bộ TTTT đã giải đáp bằng văn bản các câu hỏi của các Sở TTTT, cơ quan báo chí và các cơ quan khác có liên quan. Trường hợp các cơ quan trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cử tri của Hà Tĩnh cần giải đáp nội dung cụ thể nào của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, đề nghị gửi ý kiến trực tiếp về Thanh tra Bộ TTTT để được giải đáp.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri./.

 

 

 

 

 

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top