Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Câu hỏi 1:Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có ngành Thông tin và Truyền thông).
Trả lời:
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trình Chính phủ.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2019 (Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 11/6/2019), Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ theo hướng quy định về cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chung cho tất cả các lĩnh vực thay thế cho các quy định tự chủ về tài chính tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các lĩnh vực chuyên ngành. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định này để trình Chính phủ.Do đó, Bộ TTTT đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình soạn thảo để đề xuất các nội dung đặc thù của đơn vị sự nghiệp lĩnh vực thông tin và truyền thông vào dự thảo Nghị định này.
Câu hỏi 2:Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, tăng cường công tác quản lý các cơ quan truyền thông, không vì lợi ích của việc thu tiền quảng cáo mà giới thiệu các dự án bất động sản, các sản phẩm không đảm bảo chất lượng,… để chủ đầu tư lợi dụng, lừa đảo khách hàng, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, cho người tiêu dùng.
Trả lời:
1. Những quy định pháp luật liên quan đến quảng cáo, trong đó có quảng cáo các dự án bất động sản
- Theo quy định của Luật Quảng cáo, báo chí nói chung, phát thanh, truyền hình nói riêng là phương tiện quảng cáo; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo là người quảng cáo và phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Luật này.
- Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản trên phạm vi cả nước.Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng quy định rõ bất động sản khi được đưa vào kinh doanh bắt buộc phải công khai thông tin về quy mô, đặc điểm, thực trạng công trình...Các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2.Về kiểm duyệt nội dung quảng cáo trên các phương tiện truyền thông
- Bộ TTTT không cấp phép (tiền kiểm) đối với quảng cáo trên báo chí nói chung, trên đài phát thanh, truyền hình (đài PTTH) nói riêng. Bộ TTTT chỉ thực hiện hoạt động hậu kiểm, xử lý vi phạm nếu các đài PTTH phát sóng quảng cáo không đúng quy định.
- Các đài PTTH trước khi đăng phát quảng cáo phải kiểm tra nội dung quảng cáo và tự chịu trách nhiệm về nội dung này theo quy định của Luật Báo chí và pháp luật có liên quan. Việc quảng cáo đối với từng sản phẩm (mặt hàng) cụ thể sẽ do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp phép[1].
Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí – phương tiện quảng cáo, Bộ TTTT đã thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các đài PTTH tại giao ban báo chí về việc chủ động rà soát, kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ quảng cáo;kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo trước khi phát sóng, loại bỏ những nội dung quảng cáo có thể gây hiểu nhầm; bảo đảm nội dung quảng cáo phù hợp với quy định của pháp luật, văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quảng cáovà báo chí.Đồng thời, Bộ TTTT cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, theo Luật Quảng cáo 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản trên phạm vi cả nước.
Vì vậy, để có thể giải quyết được dứt điểm, hiệu quả những vấn đề liên quan đến việc quảng cáo những dự án bất động sản, sản phẩm không đảm bảo chất lượng,… để chủ đầu tư lợi dụng, lừa đảo khách hàng,Bộ TTTT sẽ trao đổi với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát cũng như việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế tài xử lý vi phạm.
Câu hỏi 3:Đề nghị Bộ sớm hướng dẫn thực hiện các hoạt động quản trị dữ liệu, quản trị chia sẻ, khai thác dữ liệu trong cơ quan nhà nước (quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 53 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước) để địa phương có cơ sở triển khai các nhiệm vụ như: (1) Ban hành, cập nhật danh mục các cơ sở dữ liệu thuộc địa phương quản lý trong vòng 06 tháng kể từ ngày 25/5/2020 (khoản 3, Điều 11 và khoản 2, Điều 55). (2) Ban hành Quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của cơ sở dữ liệu của địa phương thuộc phạm vi quản lý; trình Hội đồng nhân dân tỉnh để bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; xây dựng Phương án kết nối và sử dụng dữ liệu, tổ chức hệ thống thông tin tương thích để sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành và các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước (theo quy định tại Điều 54).
Trả lời:
Hiện nay, Bộ TTTT đã có hướng dẫn để các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ này tại văn bản số 2051/BTTTT-THH ngày 04/6/2020 về việc hướng dẫn triển khai một số nhiệm vụ thực thi Nghị định số 47/2020/NĐ-CP (văn bản kèm theo). Cụ thể tại Mục 2 của văn bản đã hướng dẫn địa phương xác định các cơ sở dữ liệu của mình và các nội dung khác như dữ liệu mở, quản trị dữ liệu, tổ chức chia sẻ dữ liệu. Đối với quy chế khai thác sử dụng dữ liệu của địa phương, Bộ TTTT giao Cục Tin học hóa trao đổi với đầu mối của địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn các nội dung cần thể hiện trong quy chế.
Ngoài ra, Bộ TTTT nhận thấy việc xác định dữ liệu, cơ sở dữ liệu của địa phương có liên quan trực tiếp đến các bộ, ngành ở Trung ương. Do đó, Bộ TTTT sẽ bám sát tiến độ triển khai các nội dung của các bộ, ngành để đôn đốc thực hiện, sớm làm cơ sở cho các địa phương thực hiện thuận lợi hơn. Bộ TTTT cũng sẽ xem xét, đánh giá và tổng hợp tình hình triển khai của các bộ và có hướng dẫn bổ sung khi cần thiết.
Câu hỏi 4:Đề nghị Bộ TTTT ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực thông tin và truyền thông theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, cụ thể: (1) Hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực thông tin và truyền thông để địa phương có căn cứ xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng tại địa phương, làm cơ sở xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực thông tin và truyền thông. (2) Ban hành các quy định về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công các lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông để làm căn cứ khi thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng (theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 10 và điểm b, khoản 3, Điều 14).
Trả lời:
1) Đối với việc hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông:
- Theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ TTTT và các địa phương có trách nhiệm xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc phạn vi quản lý.
Bộ TTTT đã ban hành nhiều định mức kinh tế- kỹ thuật chuyên ngành trong xây dựng cơ bản, trong quản lý dịch vụ công sử dụng Ngân sách nhà nước; đề nghị các địa phương phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TTTT về định mức kinh tế- kỹ thuật (Vụ Kế hoạch- Tài chính) để được hướng dẫn triển khai thực hiện tại địa phương.
- Về phía các địa phương, theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật để quản lý sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Vì vậy, một mặt đề nghị các địa phương căn cứ định mức kinh tế- kỹ thuật Bộ TTTT đã ban hành để quy định áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; mặt khác, đề nghị các Sở TTTT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các định mức cần thiết phục vụ yêu cầu quản lý của địa phương.
Đối với các hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật thì trước mắt xây dựng dự toán để giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành.
- Về hướng dẫn triển khai áp dụng định mức đã được Bộ ban hành; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và giá, đơn giá dịch vụ của địa phương:
+ Trong năm 2018 và 2019, Bộ TTTT đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấnhướng dẫn công tác quản lý kinh tế chuyên ngành TTTT.
+ Để hướng dẫn các Sở TTTT xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, trong Quý III/2020, Bộ TTTT sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý kinh tế chuyên ngành TTTT năm 2020; trong đó, sẽ hướng dẫn việc áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, lập đơn giá dịch vụ công cho các địa phương.
2) Đối với việc ban hành các quy định về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực thuộc ngành Thông tin và Truyền thông
Để triển khai Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về việc quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, Bộ TTTT đã có Quyết định số 2073/QĐ-BTTTT ngày 29/11/2019 ban hành Kế hoạch triển khai tại Bộ; theo đó, Bộ TTTT đã giao các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ tổ chức triển khai xây dựng quy định về tiêu chuẩn chất lượng hoặc yêu cầu về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Hiện nay, các đơn vị thuộc Bộ TTTT đang trong quá trình tổ chức xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, một số lĩnh vực đang tổ chức lấy ý kiến tham gia của các đối tượng chịu tác động như xuất bản, phát thanh truyền hình, viễn thông, … để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính khả thi trước khi ban hành.
Câu hỏi 5:Đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn việc tổ chức thi nâng ngạch viên chức ngành Thông tin và Truyền thông.
Trả lời:
Theo quy định thì các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng viên chức chuyên ngành TTTT từ hạng IV lên hạng III và từ hạng III lên hạng II. Bộ TTTT tổ chức thi thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
Để các bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện được việc tổ chức thi thăng hạng hoặc xét thăng hạng viên chức chuyên ngành TTTThiện nay,Bộ TTTT đã tiến hành xây dựng và đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thông tin và Truyền thông, dự kiến ban hành trong Quý III/2020.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai để trả lời cử tri./.
[1]Các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… do Bộ Y tế quản lý; thậm chí các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế còn phê duyệt toàn bộ nội dung kịch bản, hình ảnh, lời thoại của từng clip quảng cáo cho từng sản phẩm hàng hóa. Chất lượng sản phẩm hàng hóa quảng cáo bán hàng trên truyền hình do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Hàng giả, hàng nhái liên quan đến các sản phẩm hàng hóa quảng cáo, bán hàng trên truyền hình lại do lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công thương) quản lý.