Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 296/BDN ngày 04/8/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Câu hỏi 1:Trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cử tri đánh giá các cơ quan truyền thông, báo chí đã làm rất tốt, kịp thời và hiệu quả công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, việc đưa tin, bài về phòng, chống dịch bệnh nói riêng và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung trong thời gian qua xảy ra tình trạng giật tít nhằm thu hút sự chú ý và gây hiểu nhầm cho người đọc. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chấn chỉnh tình trạng trên.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid -19 đến nay, cùng với việc thường xuyên theo dõi, đánh giá việc chấp hành chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trên báo chí (thông qua điểm, đánh giá thông tin hàng ngày để kịp thời chấn chỉnh), các đơn vị chuyên môn của Bộ TTTT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan còn tạo lập các nhóm (group) trên nền tảng số như Zalo, Mocha, Lotus… thực hiện tương tác thường xuyên với lãnh đạo các cơ quan báo chí để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền. Có thể nói, hoạt động này đã phát huy hiệu quả cao. Những thông tin thiếu chính xác, giật tít, câu view nhằm thu hút sự chú ý và gây hiểu lầm cho người đọc về tình hình dịch bệnh, thông tin bất lợi cho sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội, cho quan hệ đối ngoại hoặc ảnh hưởng xấu đến chính sách đại đoàn kết toàn dân… đều được chấn chỉnh, xử lý rất kịp thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí.
Bám sát nội dung chỉ đạo, định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí đã chủ động tăng cường thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục, thông tin kịp thời, đầy đủ về những diễn biến cũng như công tác phòng, chống dịch, tăng cường khuyến cáo đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, cụ thể:
Giai đoạn 1: Bộ TTTT đã ban hành các văn bản: Chỉ thị số 05/CT-BTTTT ngày 02/02/2020 về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra; Văn bản số 1090/BTTTT-CBC ngày 31/3/2020 về việc tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Văn bản số 267/BTTTT-TTCS ngày 31/01/2020 về việc tuyên truyền phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona gây ra; Quyết định số 532/QĐ-BTTTT ngày 10/4/2020 về việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền và phối hợp với các đơn vị, địa phương chỉ đạo, định hướng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19. Ngoài ra, Bộ đã gửi 13 file âm thanh hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch; hướng dẫn phòng, chống dịch đối với người bệnh, người cao tuổi; khuyến cáo người dân thực hành 7 thói quen và vệ sinh khử khuẩn tại gia đình để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bám sát nội dung chỉ đạo, định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, các cơ quan báo chí đã chủ động tăng cường thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục, thông tin kịp thời, đầy đủ về những diễn biến cũng như công tác phòng, chống dịch, tăng cường khuyến cáo đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe. Từ ngày 01/02 đến hết ngày 31/5/2020, báo chí đăng tải khoảng 560.048 tin, bài tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19. Trong đó, sắc thái, tin tích cực chiếm tỉ lệ 41,96%; trung lập chiếm tỉ lệ 35,47%; tin tiêu cực chiếm tỉ lệ 22,56%. Đã có hơn 10.000 tin, bài, ảnh, trailer, phóng sự thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh được phát sóng trên 5 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia. Khối các đài phát thanh, truyền hình địa phương phát sóng trung bình từ 100 - 300 tin bài/tháng; một số đài phát thanh, truyền hình ở những khu vực trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh… phát sóng gần 1.000 tin, bài/tháng.
Giai đoạn 2: Để ứng phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh, Bộ TTTT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng đồng hành cùng các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19, đảm bảo để người dân không lơ là, chủ quan, nâng cao ý thức cảnh giác với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Bộ TTTT đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm nhằm nhanh chóng có biện pháp khoanh vùng dập dịch, cụ thể: tính đến ngày 09/9/2020 số lượng lượt cài đặt Bluezone trên cả nước đạt: 22,5 triệu. 05 địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone cao nhất: Đà Nẵng (476 nghìn, 43,02%); Quảng Trị (136 nghìn, 35,95%); Hải Dương (459 nghìn, 35,51%); Quảng Ninh (410 nghìn, 34,87%); Quảng Nam (290 nghìn, 33,54%). Chuyển file âm thanh với 09 biện pháp mới nhất phòng chống dịch Covid-19 người dân cần biết; đồng thời, chỉ đạo việc phát sóng 32 file âm thanh tuyên truyền về phòng, chống dịch trên hệ thống thông tin cơ sở cấp huyện, xã.
Câu hỏi 2:Tình trạng giới trẻ nghiện game (online và offline) có tính chất bạo lực kích động đang khá phổ biến, gây hậu quả khó lường. Thời gian gần đây, không ít vụ án có liên quan đến game bạo lực như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng,… nổi bật là vụ một cháu bé 5 tuổi tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tử vong do bị một nam sinh bắt cóc đưa đến gần ngôi nhà hoang trong rừng trói tay bỏ lại để thực hiện theo game bắt cóc, giải cứu trên Internet khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Cử tri đề nghị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đặc biệt là quy định độ tuổi được phép tham gia các loại hình game, tăng nặng hình phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, các nhà cung cấp dịch vụ game vi phạm các quy định của pháp luật.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
Hiện nay, bên cạnh các trò chơi đã được Bộ TTTT thẩm định và cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản (đều có nội dung phù hợp với các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP; Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT), vẫn còn tồn tại khá nhiều trò chơi có nội dung không lành mạnh, bạo lực, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý người chơi, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Bộ TTTT khẳng định, đây đều là các trò chơi chưa hoặc không được cấp phép phát hành tại Việt Nam (game lậu) nhưng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu qua các nguồn sau:
- Do doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có máy chủ đặt tại nước ngoài phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam.
- Do tổ chức, cá nhân trong nước đặt máy chủ trong nước hoặc thuê máy chủ đặt tại nước ngoài phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam.
- Ngoài ra, trên thị trường game lậu còn có một phần không nhỏ game offline được cài đặt sẵn trên các phòng game, in lậu trên băng đĩa…
Ngoài việc gây tác động xấu đối với xã hội, tình trạng game lậu còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, khi mà các doanh nghiệp trong nước được cấp phép thì phải tuân thủ rất nhiều quy định về kiểm duyệt nội dung trò chơi, đóng thuế đầy đủ, trong khi trò chơi lậu lại không phải tuân thủ quy định về thuế, về nội dung, về bảo đảm quyền lợi của người chơi...
Vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ TTTT đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nêu trên, cụ thể:
1. Về công tác chỉ đạo, định hướng:
- Bộ TTTT đã ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP trong đó có điều chỉnh các quy định về điểm truy nhập Internet công cộng và trò chơi điện tử công cộng.
- Bộ TTTT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó bổ sung cụ thể, chi tiết hóa nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng, tăng hình thức và các mức xử phạt (mức phạt tăng từ 10% đến 20% so với quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trước đây) nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, hình thức xử phạt để đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
- Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở TTTT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh điểm truy nhập Internet công cộng và trò chơi điện tử công cộng.
- Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trò chơi điện tử trên mạng, rà soát, bảo đảm phát hành các trò chơi theo đúng nội dung, kịch bản đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý nội dung game và về thanh toán (trong đó đề nghị không sử dụng hình thức thanh toán bằng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông (thẻ cào điện thoại) để thanh toán cho trò chơi điện tử); thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.
2. Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm:
- Năm 2019, Bộ TTTT đã xử phạt vi phạm hành chính 04 trường hợp với tổng số tiền là 345 triệu đồng do cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng không đúng với nội dung, kịch bản trò chơi điện tử trên mạng; cung cấp trò chơi điện tử G2 không đúng giấy xác nhận đã được cấp; cung cấp trò chơi điện tử G2 không phép.
3. Về công tác phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan:
- Trong những năm qua, Bộ TTTT đã và đang thiết lập cơ chế phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm soát, nhắc nhở, xử lý theo thẩm quyền đối với một số doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu cờ bạc, đổi thưởng; quảng cáo cho phép người chơi dùng tiền ảo trong game để đổi thành các phần thưởng có giá trị như thẻ cào điện thoại, xe máy,....
- Ngoài ra, Bộ TTTT cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý chuyên ngành đối với lĩnh vực trò chơi điện tử như chương trình khuyến mại (thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương), hoạt động liên quan đến thanh toán cho game, đặc biệt là các hình thức thanh toán trực tuyến trên các trên kho ứng dụng Apple Store và Google Play Store (thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam);... Hiện nay, công tác phối hợp đang được các bên duy trì, đảm bảo quản lý tốt và toàn diện hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng.
4. Thiết lập cơ chế phối hợp, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam (như Google, Apple, Facebook) chặn, gỡ các game vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam:
Từ năm 2017 đến nay, BộTTTT đã thiết lập cơ chế làm việc và đề nghị Google, Apple, Facebook gỡ bỏ các game không phép, game có nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng của Apple, Google, Facebook. Kết quả, đến thời điểm hiện nay có 86/111 trò chơi điện tử không phép, game cờ bạc, bạo lực,... đã được gỡ khỏi kho ứng dụng của Apple, Google; có 215 link trên Facebook quảng cáo game bài cũng đã được Facebook gỡ bỏ 100% sau 48 giờ Bộ TTTT gửi yêu cầu.
Bộ TTTT đang tiếp tục rà soát và đề nghị các doanh nghiệp nêu trên chặn, gỡ các game vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam khỏi các nền tảng ứng dụng của Google, Apple, Facebook.
5. Các giải pháp triển khai trong thời gian tới:
- Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhưNghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh điểm truy nhập Internet công cộng và trò chơi điện tử công cộng.
- Tiếp tục phối hợp và đề nghị Bộ Công an tăng cường rà soát, điều tra, xử lý các đối tượng cung cấp game cờ bạc và các đối tượng có dấu hiệu vi phạm hình sự theo quy định. Đồng thời, Bộ TTTT sẽ chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, trò chơi trực tuyến có thưởng để xử lý theo quy định.Trong trường hợp cần thiết, Bộ TTTT sẽ phối hợp hoặc chuyển các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Công an (theo dõi, xử lý game có dấu hiệu vi phạm hình sự), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quản lý kênh thanh toán), Bộ Công Thương (quản lý các chương trình khuyến mại cho game), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quản lý, cấp phép tổ chức các giải đấu game tại địa phương),... để xem xét, phối hợp xử lý theo thẩm quyền.
- Tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp Google, Apple hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các game không phép, các game có yếu tố cờ bạc, bạo lực, dung tục cung cấp trên kho ứng dụng của Apple và Google; không quảng cáo trên mạng xã hội Facebook; đề nghị các doanh nghiệp Google, Apple nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cung cấp game trên các nền tảng ứng dụng của các hãng này.
- Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để người sử dụng khai thác được những mặt tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của trò chơi điện tử trên mạng.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri./.