V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV

Thứ hai, 01/11/2021 16:03

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 6884/VPCP-QHĐP ngày 25/9/2021, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh: Công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua được cả nước tích cực tham gia và hưởng ứng nhằm ổn định tình hình và đẩy lùi dịch bệnh, tuy nhiên hiện nay trên một số trang mạng xã hội có những đối tượng quay Clip và chia sẻ không đúng sự thật, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng và không ủng hộ thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội của chính quyền, đồng thời có thái độ kích động, lôi kéo phản đối,…đề nghị các ngành chuyên môn cần mạnh tay và kiên quyết xử lý hơn nữa đối với các đối tượng này.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

1. Các giải pháp đã triển khai

- Bộ TTTT đã thường xuyên triển khai chỉ đạo các đơn vị hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh COVID- 19, phổ biến pháp luật đến tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật không đưa tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh.

- Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chỉ đạo các Sở TTTT trên các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm các trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

- Trong công tác đấu tranh với những thông tin xuyên biên giới, nội dung xấu độc chống phá các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và đặc biệt từ đầu năm 2020 xảy ra dịch bệnh COVID- 19 cho đến giai đoạn hiện nay các thế lực thù địch, đối lập vẫn thường xuyên đưa các nội dung thông tin xuyên tạc, bôi nhọ đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là các hình ảnh, Clip phát tán trên mạng liên quan tới dịch bệnh thu hút được nhiều lượt xem và tương tác. Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng đã quay Clip và chia sẻ không đúng sự thật, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng và không ủng hộ thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội của chính quyền, đồng thời có thái độ kích động, lôi kéo phản đối,… Đối với các Clip dạng này được phát tán trên không gian mạng nói chung và một số trang mạng xã hội nói riêng, Bộ TTTT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ, tổ chức lực lượng sử dụng công nghệ, nền tảng để giám sát 24/7 trên Không gian mạng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời. Theo ghi nhận, các Clip thường xoay quanh một số chủ đề như:

+ Lợi dụng hình ảnh người dân trên đường về quê để xuyên tạc, bịa đặt cho rằng Việt Nam chống dịch một cách cực đoan, lúng túng và thiếu nhất quán “mạnh ai nấy chạy” của các địa phương đã đẩy người dân các tỉnh miền Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh vào cảnh khó khăn.

+ Sử dụng các hình ảnh liên quan tới người bệnh bị tử vong để thông tin sai sự thật về số ca tử vong và gán ghép cho rằng Việt Nam che giấu số người tử vong vì COVID- 19, thực tế số người chết cao hơn nhiều lần con số được công bố.

+ Lợi dụng các hình ảnh nỗ lực của các lực lượng chức năng phòng, chống dịch để bịa đặt, đổ lỗi việc dịch bùng phát trở lại ở Việt Nam là do cách chống dịch của các lãnh đạo Việt Nam ngày càng rối và thể hiện quá yếu kém về mặt chuyên môn; cho rằng Chính phủ vẫn tư duy chống dịch kiểu xã hội chủ nghĩa, chống dịch bằng khẩu hiệu, nghị quyết, vi hiến. Nhiều đối tượng xấu đưa tin bịa đặt cho rằng việc đóng cửa chợ đầu mối, giãn cách xã hội là “nghịch lý chống dịch”. Đồng thời, chỉ trích về những bất cập trong chuyện chống dịch, ví dụ: giấy thông hành, xét nghiệm …

+ Một số luồng thông tin chia sẻ hình ảnh công văn về đối tượng, số lượng tiêm vắc-xin của các địa phương xuyên tạc cho rằng vắc-xin chỉ dành ưu tiên cho quan chức, đảng viên, còn nhân dân thì vẫn “bị bỏ lại phía sau” chứ không như những gì lâu nay Nhà nước vẫn tuyên truyền.

+ Việc điều động Quân đội đến trợ giúp từng gia đình người dân, bị xuyên tạc để gây chia rẽ giữa Quân đội và Nhân dân, tạo sự nghi ngờ, mất niềm tin giữa Nhân dân với Đảng, cùng các cấp Chính quyền trong phòng chống đại dịch.

2. Kết quả đạt được

- Đối với những Clip, hình ảnh chia sẻ không đúng sự thật, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng và không ủng hộ thực hiện các giải pháp giãn cách xã hội của chính quyền, đồng thời có thái độ kích động, lôi kéo phản đối như trên, Bộ TTTT đã chỉ đạo các nhà mạng xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 500 trang với khoảng 2000 bài viết có nội dung, hình ảnh, videos, clip vi phạm.

- Bộ TTTT cũng đã chủ động tổng hợp những videos, clip vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ; Yêu cầu các nền tảng chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ những hình ảnh đau thương, bất tuân dân sự, những nội dung gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân và tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch COVID- 19. Ngoài việc các nền tảng chủ động chặn gỡ các hình ảnh này, Cục PTTH&TTĐT đã rà quét, phát hiện và yêu cầu chặn gỡ 1.694 links vi phạm đăng tải thông tin sai sự thật (tỷ lệ 96%).

- Bộ TTTT cũng đã cảnh báo và yêu cầu Google, Facebook tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát nội dung được đăng tải và kết quả đạt được như sau: Từ đầu năm 2020 đến nay, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 5.371 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Trong thời gian cao điểm chống dịch COVID- 19, Facebook đã gỡ bỏ 13 tài khoản giả mạo Bộ Y tế và ngăn chặn 669 bài viết đưa thông tin tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch; Google đã gỡ 30.764 videos vi phạm, 24 kênh phản động trên Youtube trên Google. AppStore đã gỡ 43 game không phép, game có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ TTTT; Tiktok đã chặn, gỡ bỏ 1.081 videos vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID- 19.

- Bộ TTTT đã chỉ đạo các Sở TTTT đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp đưa thông tin bịa đặt, sai trái về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên môi trường mạng. Tuy nhiên, việc chủ động phát hiện và xử lý thông tin vi phạm gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm do tính chất ẩn danh trên mạng xã hội. Cụ thể, đối với các hành vi đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật về công tác phòng, chống COVID- 19, riêng trong quý I/2021, Bộ TTTT và các Sở TTTT đã tiến hành xử phạt 55 vụ việc với tổng số tiền 407,5 triệu đồng.

3. Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới:

- Bổ sung các hành hành vi vi phạm trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

- Bộ TTTT sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở TTTT phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, xử lý nghiêm đối với những trường hợp đưa thông tin bịa đặt, sai trái về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên môi trường mạng.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri./.

* Xem nội dung công văn trả lời cử tri tỉnh An Giang tại đây.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top