V/v trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ gửi tới sau Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV

Thứ hai, 01/11/2021 15:50

 

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 6230/VPCP-QHĐP ngày 07/9/2021 và Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 333/BDN ngày 22/9/2021, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh:

a) Dịch Covid -19 gây ra ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, làm xáo trộn mọi hoạt động xã hội và đời sống người dân, ngay cả khi kết thúc dịch bệnh thì các hoạt động (nêu trên) cũng khó có thể trở lại bình thường như trước khi có dịch mà sẽ diễn ra ở trạng thái “bình thường mới”. Đề nghị Chính phủ có giải pháp định hướng, đổi mới mô hình phát triển và tăng năng lực quản lý nhà nước theo hướng “số hóa” thích ứng linh hoạt, nhằm bảo đảm việc thích ứng được chủ động, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn mới.

b) Đề nghị Bộ TTTT tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc thành quả trong công tác phòng, chống dịch Covid -19 của Nhà nước ta trên các phương tiện thông tin đại chúng, không gian mạng Internet gây hoang mang trong dư luận xã hội nhằm tranh thủ sự đồng thuận, chung tay góp sức của xã hội vào công tác phòng, chống dịch Covid -19.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

 a) Dịch Covid -19 gây ra ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, làm xáo trộn mọi hoạt động xã hội và đời sống người dân, ngay cả khi kết thúc dịch bệnh thì các hoạt động (nêu trên) cũng khó có thể trở lại bình thường như trước khi có dịch mà sẽ diễn ra ở trạng thái “bình thường mới”. Đề nghị Chính phủ có giải pháp định hướng, đổi mới mô hình phát triển và tăng năng lực quản lý nhà nước theo hướng “số hóa” thích ứng linh hoạt, nhằm bảo đảm việc thích ứng được chủ động, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn mới.

Đại dịch Covid-19 được coi là cú huých trăm năm giúp đẩy nhanh đáng kể tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trước nhu cầu cấp bách của việc phải đưa xã hội thích ứng nhanh chóng dịch bệnh, công nghệ số đã góp phần tạo ra bước tiến thần tốc chưa từng có:

i) Những mục tiêu từng được đặt ra trong 5-10 năm đã hoàn thành chỉ trong vài tháng, ví dụ như: Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia lớn được hoàn thành nhanh chóng (CSDL quốc gia về dân cư, bảo hiểm,…); Những siêu ứng dụng toàn dân được ra đời trong thời gian ngắn kết nối liên thông nhiều cơ sở dữ liệu lớn; Mục tiêu mỗi người dân một mã QR đang dần được hiện thức hoá; Nền tảng Hội nghị trực tuyến kết nối người đứng đầu Chính phủ với 100% chính quyền cấp xã được hoàn thành chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng; Các hoạt động báo cáo của Chính phủ đã được thực hiện trực tuyến và dựa trên các nền tảng dữ liệu trực tuyến; Dịch vụ công trực tuyến tăng từ 30% của năm 2020 đang hướng tới mục tiêu 100% trong năm 2021; Lần đầu tiên trong lịch sử hành chính công, các hoạt động thanh kiểm tra của Chính phủ được thực hiện trên môi trường số, v.v…

ii) Những thói quen, hành vi mới của xã hội được thiết lập và thay thế những cái cũ cũng chỉ trong thời gian rất ngắn: 100% trường học và học sinh đã có thể tiến hành việc dạy và học trên môi trường số nhờ các nền tảng giáo dục online; Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã hoàn toàn thích nghi được với mô hình “làm việc tại nhà” nhờ các công cụ điều hành và quản lý công việc trực tuyến, v.v..  

Nếu như những thành tựu thần tốc của công nghệ số giúp tạo nên những nền tảng vững chắc cho chuyển đổi số, thì những thay đổi về hành vi xã hội nhờ công nghệ số sẽ giúp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tìm ra những mô hình hoạt động mới hiệu quả hơn, bền vững hơn, tiết kiệm chi phí hơn và có tính thích ứng cao với các biến cố không lường trước được của xã hội. Mục tiêu đặt ra đối với Chính phủ là làm sao để những giải pháp mang tính “tình thế”, những trạng thái mang tính “tạm thời” này tiếp tục được duy trì trong giai đoạn “hậu Covid” và dần trở thành những chuẩn mực mới giúp đổi mới và nâng cao năng lực quản lý của Chính phủ trong giai đoạn mới.

Trước thách thức và bối cảnh nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã có các chính sách, giải pháp kịp thời để định hướng, đổi mới mô hình phát triển và tăng năng lực quản lý nhà nước theo hướng “số hóa” thích ứng linh hoạt, nhằm bảo đảm việc thích ứng được chủ động, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn mới. Điển hình là:

Một, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, tại Chương trình chuyển đối số quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ) xác định đến năm 2025 Kinh tế số chiếm 20% GDP với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Hai, nhằm tăng năng lực quản lý nhà nước theo hướng “số hóa”, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, chiến lược xác định quan điểm phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, cơ quan nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn.

Ba, tiếp theo đó ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, theo đó Bộ TTTT chủ trì thúc đẩy ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối, đảm bảo an toàn an ninh thông tin, dữ liệu cá nhân công dân; hoàn thiện, nâng cấp các nền tảng, công nghệ phòng chống dịch hướng tới bắt buộc dùng chung trên cả nước; đồng thời, nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới, tập trung vào hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn trong vùng dịch vì cách ly và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại tại các địa phương nới lỏng giãn cách.

b) Đề nghị Bộ TTTT tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc thành quả trong công tác phòng, chống dịch Covid -19 của Nhà nước ta trên các phương tiện thông tin đại chúng, không gian mạng Internet gây hoang mang trong dư luận xã hội nhằm tranh thủ sự đồng thuận, chung tay góp sức của xã hội vào công tác phòng, chống dịch Covid -19.

1. Các giải pháp Bộ TTTT đã triển khai:

- Kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với hành vi thông tin sai sự thật liên quan công tác phòng chống dịch Covid - 19 trên các phương tiện thông tin đại chúng:

+ Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các đơn vị quản lý, chỉ đạo thông tin đã duy trì 24/7 việc chỉ đạo, định hướng, điều tiết thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời thông tin thiếu chuẩn xác, gây hoang mang, hỗ trợ công tác phòng chống dịch của Trung ương và địa phương. Bộ TTTT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện rà quét và báo cáo hàng ngày thông tin trên báo chí về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để phục vụ chỉ đạo, định hướng, tăng tỷ lệ thông tin trên báo chí về cảnh báo nguy cơ, nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo đồng thuận, ủng hộ của xã hội đối với chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, hạn chế đến mức thấp nhất thông tin trên báo chí gây tâm lý hoang mang. Tỷ lệ tin, bài trên báo chí liên quan đến các giải pháp ổn định kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa được các cơ quan báo chí duy trì ở mức cao.

Qua giám sát thông tin trên báo chí, Bộ TTTT đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 04 cơ quan báo chí (Báo điện tử VNExpress, Báo Tiền phong, Báo điện tử Vietnamnet, Tạp chí Một thế giới) với tổng số tiền phạt 162 triệu đồng về hành vi thông tin sai sự thật trong thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

+ Bộ TTTT đã ban hành văn bản số 2764/BTTTT - CBC ngày 23/7/2021 về tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại văn bản này, Bộ TTTT yêu cầu các cơ quan báo chí chỉ đạo cán bộ, phóng viên tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về kỷ luật thông tin, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, bảo đảm đưa tin cân bằng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, không đưa tin theo mạng xã hội khi chưa kiểm chứng qua các cơ quan chức năng; siết chặt kỷ luật đọc, duyệt và cho đăng tải tin, bài, đặc biệt trên báo điện tử, tạp chí điện tử, đảm bảo chỉ lãnh đạo cơ quan báo chí nắm quyền xuất bản. Bộ TTTT đề nghị cơ quan chủ quản có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với trường hợp cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin và quy định về phòng, chống dịch.

- Giải pháp về đấu tranh với các thông tin giả, sai sự thật về dịch bệnh trên môi trường mạng xã hội:

+ Bộ TTTT liên tục rà soát các tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng xã hội, phối hợp Facebook, Google, Tiktok để rà soát thông tin sai sự thật về dịch bệnh.

+ Bộ TTTT đã đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam. Trung bình mỗi tháng Trung tâm tin giả tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân, qua đó thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân. Số lượng nhận tin phản ánh từ tháng 01/2021 đến nay là 3.504 trường hợp phản ánh báo tin giả, tin sai sự thật, tổng đài 18008108 đã tiếp nhận hơn 4.000 cuộc gọi của người dân hỏi đáp về tin giả; chuyển Facebook, Google xoá bỏ, chặn hơn 500 tin, tài khoản lan truyền tin giả, công bố 150 tin giả trên trang tingia.gov.vn.

+ Về xử lý vi phạm hành chính cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19 từ các cơ quan chức năng thì từ 01/01/2021 đến nay là 225 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính (Trong đó: xử phạt tiền là 208 trường hợp với số tiền 1.609.500.000 đồng; 17 trường hợp bị xử phạt cảnh cáo); 317 trường hợp bị nhắc nhở.

+ Bộ TTTT đã triển khai bộ phận trực giám sát thông tin trên không gian mạng 24/7. Bất kỳ thời điểm nào có những thông tin, sự kiện nóng được chia sẻ, phát tán với độ lan tỏa cao và có chiều hướng tiêu cực trên không gian mạng, Bộ sẽ chỉ đạo xác minh và cảnh báo kịp thời tới các đơn vị liên quan và trao đổi, phối hợp với đầu mối Sở TTTT địa phương để có các biện pháp xử lý phù hợp. Qua công tác giám sát, mỗi ngày phát hiện trung bình khoảng 200 nội dung trên không gian mạng về dịch Covid-19 có dấu hiệu tiêu cực, xấu độc, vi phạm pháp luật và đã chủ động đồng bộ thông tin giữa các lực lượng để đánh giá và thực hiện xử lý.

+ Bộ TTTT đã chỉ đạo các Sở TTTT đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận (tính từ tháng 01/2021 đến nay, Thanh tra Bộ TTTT và Thanh tra các Sở TTTT đã tiến hành xử phạt 55 vụ việc với tổng số tiền 407,5 triệu đồng. Tháng 7/2021, Thanh tra Bộ đã tiến hành làm việc và ra quyết định xử phạt đối với bà Vũ Phương Anh số tiền 12,5 triệu đồng vì hành vi đưa thông tin sai sự thật về tiêm vắc-xin Covid-19 trên mạng xã hội).

2. Phương hướng, giải pháp thời gian tới:

- Bộ TTTT tiếp tục chỉ đạo, định hướng công tác truyền thông phòng, chống dịch theo các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19; phát huy hiệu quả của ứng dụng PC-Covid để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Chú trọng thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống nhân dân, chú trọng thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh.

- Phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các hành vi thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng, chống dịch và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát bằng các công cụ đo kiểm ứng dụng công nghệ đối với cơ quan báo chí, đảm bảo các cơ quan báo chí thực hiện đúng yêu cầu tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định về kỷ luật thông tin, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, bảo đảm đưa tin cân bằng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, không đưa tin theo mạng xã hội khi chưa kiểm chứng qua các cơ quan chức năng; xiết chặt kỷ luật đọc, duyệt và cho đăng tải tin, bài, đặc biệt trên báo điện tử, tạp chí điện tử, đảm bảo chỉ lãnh đạo cơ quan báo chí nắm quyền xuất bản; xử lý kỷ luật nghiêm đối với trường hợp cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, định hướng thông tin và quy định về phòng chống dịch.

- Tăng cường bóc, gỡ tin, bài thông tin xấu độc trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube…

- Chỉ đạo các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng ứng trực 24/24 giờ, bảo đảm thông suốt, an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là các hệ thống thông tin, nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các lực lượng khác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất đầu mối, chủ động cung cấp, xử lý thông tin kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường các hình thức truyền thông, tuyên truyền, truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ để trả lời cử tri./.

* Xem nội dung công văn trả lời cử tri thành phố Cần Thơ tại đây.

 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top