Vượt qua chuẩn mực đạo đức, pháp luật là tự đánh mất mình

Thứ hai, 20/06/2016 08:22

Đề án Quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025 đã ban hành, Luật Báo chí sửa đổi cũng được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí đã luôn được cập nhật theo hướng bám sát thực tiễn. Thẳng thắn, rạch ròi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nhìn trực diện vào đời sống báo chí đương thời để đưa ra đánh giá về những mặt tích cực cùng biểu hiện tiêu cực.

FY7A1982.jpg
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
 
- Khi trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân hằng tháng số Tết 2015, đồng chí - ở cương vị Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá về hoạt động báo chí năm 2014: “Gần đây, ở một số tờ báo, nhất là báo mạng, đã làm méo mó bức tranh xã hội, do khai thác và thông tin quá nhiều mặt trái xã hội, nên bạn đọc cảm thấy dường như bức tranh xã hội trở nên tăm tối và đây chính là vấn đề của báo chí trong thời điểm hiện nay”. Tiếc là qua một năm 2015 và gần hết nửa đầu của năm 2016, những hạn chế kiểu này vẫn chưa giảm, thậm chí có vẻ còn tăng?
 
- Sở dĩ tình trạng nói trên gia tăng, theo cảm nhận chung xuất phát từ nguyên nhân là các báo điện tử đang chạy theo mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan báo chí nhưng tình trạng này vẫn gia tăng. Đây là vấn đề nan giải, đòi hỏi cả cộng đồng phải nâng cao nhận thức, cơ quan chủ quản phải nâng cao trách nhiệm và cơ quan báo chí phải chấp hành tốt việc tuân thủ pháp luật xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh.
 
- Thực tế hoạt động báo chí phát sinh một vấn đề, việc chú trọng đến các thông tin theo hướng lá cải, giật gân, câu khách đã là mối nguy hại, nhưng tình trạng một vài cơ quan báo chí, trong cách thông tin, hoặc vô tình hoặc chủ ý, đã làm sai lệch bản chất của sự vật, hiện tượng, vụ việc để tạo áp lực dư luận, rồi dùng chính áp lực đó gây sức ép lên các cơ quan chức năng. Vậy, thưa Bộ trưởng, đâu là giới hạn của truyền thông và định lượng nào cho lương tâm, trách nhiệm của nhà báo?
 
- Ở đây có hai khía cạnh pháp luật và đạo đức. Có hiện tượng gần đây là dư luận chạy theo số đông, bị dẫn dắt bởi nhiều thông tin sai lệch. Tuy nhiên, báo chí cũng như nhiều ngành nghề khác, dù là nghề đặc thù cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Việc gây sức ép bằng dư luận lên các cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân là có, vì xuất phát từ tâm lý sợ dư luận, sợ báo chí hơn sợ pháp luật. Cần phải lên tiếng nếu thấy báo chí gieo tiếng oan và đừng tạo tiền lệ xấu cho những hành vi thiếu bình đẳng, không chính trực. Ở khía cạnh đạo đức, truyền thông có chuẩn mực giới hạn trong phạm vi trung thực, chỉ cung cấp cho công chúng thông tin đầy đủ một cách khách quan. Cơ quan báo chí và nhà báo vượt quá giới hạn trên là tự đánh mất mình. Nên nhớ rằng hiện nay người đọc rất thông minh để nhận biết thông tin tốt xấu và tự họ sẽ sàng lọc, chọn lựa.
 
- Với tư cách cá nhân, Bộ trưởng có cảm nhận dường như có một số bạn đọc đang ngày một thiếu thiện cảm với báo chí?
 
- Chưa có một thống kê hay đo lường nào, nhưng tôi cảm nhận một số cơ quan báo chí và một bộ phận người làm nghề báo đã và đang tự đánh mất sứ mệnh cao quý, hình ảnh được tôn trọng của mình đối với xã hội. So với số lượng gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ, thì số lượng đó rất nhỏ, nhưng chính họ đã làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp của những người làm báo chúng ta. Thậm chí, tôi nghe nhiều người làm báo chân chính còn bức xúc nói họ không dám nhận mình là nhà báo. Các cơ quan báo chí, những người làm nghề báo nên lấy điều này chiêm nghiệm và tự sửa đổi mình một cách nghiêm túc thì hình ảnh mới được cải thiện.
 
- Theo Bộ trưởng, có nên khuyến khích các công dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội kiện báo chí ra tòa nếu xét thấy mình bị báo chí làm tổn hại oan uổng đến lợi ích tinh thần và vật chất?
 
- Báo chí có quyền của báo chí, các công dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cũng có quyền của mình theo luật định. Không tổ chức, cá nhân nào được đứng trên pháp luật nên hãy mạnh dạn sử dụng quyền của mình khi bị báo chí làm tổn hại danh dự, oan sai.
 
- Có ý kiến cho rằng nghề báo là công việc mà nghề chọn người. Nhưng hình như nhiều người đang dễ dãi chọn nghề báo mà chưa tiên lượng, hình dung được công việc cụ thể sẽ ra sao? Bộ trưởng thấy có cần khắt khe hơn và áp các tiêu chí xét tuyển cao hơn, chặt chẽ cho đầu vào tại các cơ sở tuyển sinh đào tạo người làm báo tương lai?
 
- Nói nghề báo “nghề chọn người”, theo tôi hiện nay không còn phù hợp. Nghề báo hiện nay đòi hỏi bạn phải trang bị đầy đủ kiến thức, trình độ chuyên môn cao, hành nghề một cách chuyên nghiệp nên người muốn vào nghề báo phải tự xác định hành trang của mình. Môi trường đào tạo trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển khá tốt và nó sẽ tự sàng lọc mà không cần điều chỉnh.
 
- Vâng, đây quả là quan niệm mới mẻ và thú vị. Cũng có người đổ lỗi cho sự buông lỏng của một bộ phận báo chí thời gian qua là tại áp lực doanh thu, cơm áo gạo tiền? Vậy nếu những cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích được ghi trong giấy phép, lại không tự tồn tại được bằng các hoạt động tự thân hợp pháp, thì cơ quan chủ quản nên có thái độ thế nào? Trách nhiệm của cơ quan chủ quản ra sao với sai phạm của các tờ báo trực thuộc mình, thưa Bộ trưởng?
 
- Tình trạng cơ quan chủ quản buông lỏng, thiếu trách nhiệm với cơ quan báo chí trực thuộc, chúng tôi đã khuyến cáo nhiều lần và sắp đến yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc. Cơ quan chủ quản phải đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chấn chỉnh tình trạng hoạt động sai tôn chỉ, mục đích. Chúng tôi đã rà soát và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
- Nghịch lý của hoạt động báo chí nước ta là có quá nhiều đầu báo, nhiều cơ quan báo chí nhưng lượng phát hành lại ít? Sẽ hay hơn nếu thực tế diễn tiến theo chiều ngược lại, thưa Bộ trưởng?
 
- Khủng hoảng báo in là thực trạng chung của báo chí thế giới hiện nay vì xu hướng người đọc thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Đề án quy hoạch báo chí sẽ điều chỉnh hợp lý những đầu báo không hiệu quả, lãng phí nguồn lực.
 
- Theo Bộ trưởng, làm thế nào để đạo đức nghề nghiệp không chỉ là lời kêu gọi suông, mà phải thành một ràng buộc pháp lý cho người trong cuộc?
 
- Luật Báo chí 2016 đã có một điều khoản quy định về đạo đức và Hội Nhà báo Việt Nam đang dự thảo một bộ quy tắc ứng xử nghề báo. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức mang tính tự nguyện, vì thế các cơ quan báo chí nên xây dựng những Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp riêng của mình để quản lý hoạt động của cơ quan báo chí một cách chuẩn mực, góp phần vào việc làm lành mạnh nền báo chí.
 
- Nhiệm vụ của Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này chắc chắn sẽ rất “nóng” bởi chỉ riêng lĩnh vực báo chí truyền thông cũng càng ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị gì khi tiếp quản chiếc ghế “nóng” này? 
 
- Báo chí hiện nay đang gặp khó khăn với mạng xã hội và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng gặp khó khăn tương tự. Đây là thách thức lớn trong nhiệm kỳ của tôi. Xây dựng chiến lược phát triển báo chí Việt Nam trong hoàn cảnh xu hướng thông tin ngày càng thay đổi là trách nhiệm và tâm huyết của tôi trong nhiệm kỳ này. Chúng tôi sẽ sớm tìm ra lời giải đáp cho bài toán khó này.
 
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top