Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định 5 trụ cột tăng trưởng KT-XH trong 5 năm tới; trong đó phát triển KH&CN, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được hướng đến để tạo dựng nền kinh tế bền vững. Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Bình Định trở thành trung tâm AI của Việt Nam.
Sở TT&TT phối hợp với ngành CA phân tích dữ liệu tại Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh. Ảnh: HỒNG HÀ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT về triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh, Bình Định đã xây dựng Đề án “Phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng IOC.
Tháng 6.2020, UBND tỉnh chính thức ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, IOC được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất, cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; đồng thời cho phép người dân tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh.
Đến nay, IOC đã hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ TT&TT với 8 dịch vụ chính: Phản ánh hiện trường, Giám sát và điều hành giao thông, An ninh trật tự, Giám sát an toàn thông tin, Giám sát thông tin trên môi trường mạng, Giám sát dịch vụ công, Thông tin KT-XH, Dashboard (bảng điều khiển) tổng hợp giám sát điều hành. IOC được xây dựng và vận hành theo nguyên tắc hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung. Các hệ thống cảm biến, camera giám sát... lắp đặt trên các tuyến đường chính thu thập thông tin, truyền dữ liệu về IOC, xử lý chúng thành những dữ liệu lớn để phân tích, nhận diện chính xác các vấn đề của đô thị, hỗ trợ quá trình ra quyết định của lãnh đạo.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của IOC là giám sát biến động các chỉ tiêu KT-XH, xu hướng tăng, giảm, biến động của các chỉ tiêu này, nhằm tham mưu, cung cấp dữ kiện cho lãnh đạo tỉnh từ đó đưa ra các quyết định, chính sách. Hoặc từ kết quả giám sát, điều hành dịch vụ hành chính công sẽ giúp lãnh đạo nắm sát diễn biến giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân, từ đó có chỉ đạo xử lý kịp thời.
Trước khi đưa vào vận hành IOC, Bình Định đã thí điểm thành công nhiều dịch vụ tiện ích, ghi nhận phản hồi tích cực của DN và người dân trên địa bàn. Từ hệ thống camera có tích hợp AI được lắp đặt trên các tuyến đường chính của thành phố, nhiều trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, trật tự xã hội đã được ghi nhận, làm căn cứ cho cơ quan chức năng xử lý. Người dân dễ dàng tra cứu thông tin vi phạm giao thông, quan sát hình ảnh từ hệ thống camera giao thông qua trang “Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định” trên ứng dụng Zalo. Sự tương tác của người dân với chính quyền còn được thực hiện thông qua ứng dụng BinhDinh SmartCity. Ở đó, người dân, DN có thể gởi mọi phản ánh của mình về những bất cập trong đời sống xã hội để IOC xác minh và chuyển về các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý theo quy trình điện tử và tức thời.
Anh Thái Hoàng Dân, ở TP Quy Nhơn, chia sẻ: Bản thân tôi và nhiều người quen rất hoan nghênh việc tỉnh ta sử dụng các ứng dụng thông minh để quản lý đô thị và tạo không gian để công dân tiếp cận. Thông qua các kênh tương tác này, chúng tôi có thể góp ý về những điều chưa tốt, những bất cập trong đời sống, phản ánh những việc làm không đúng của công chức, viên chức cũng như tra cứu, nắm bắt được thông tin cần thiết từ chính quyền một cách công khai, minh bạch.
Xây dựng đô thị thông minh là một hành trình dài và gian nan. Để đi đến thành công, cùng với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, rất cần sự tham gia của người dân và DN. Ông Trần Kim Kha cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân biết đến các dịch vụ đô thị thông minh; đồng thời, tích hợp giám sát toàn diện các lĩnh vực y tế, giáo dục, nguồn lực vào IOC nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Định trở thành đô thị thông minh tiên tiến, kiểu mẫu vào năm 2025”.