Lan toả mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới
Trước đây, khu vườn với diện tích hơn 2.800m2 hoang hoá, đầy cỏ dại của gia đình ông Lê Trọng Mừng, ở xóm Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, sáng tạo đã được "khoác" áo bằng màu xanh khác biệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến phát triển mô hình bền vững.
"Tôi đã bỏ nhiều công sức để cải tạo lại vườn, quy hoạch lại theo từng vùng gồm: chuồng trại chăn nuôi; khu vực trồng cây ăn quả, rau màu; vườn cây thuốc nam, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng, sử dụng nhiều biện pháp sản xuất, chăn nuôi sạch như đệm lót sinh học, tăng tỷ lệ thảo dược làm thức ăn trong chăn nuôi. Nhờ đó, từ cây trồng đến vật nuôi mang lại hiệu quả. Thương lái đã đến tận nhà đặt hàng, kinh tế gia đình có thu nhập ổn định", ông Lê Trọng Mừng, vui vẻ nói.
Ông Lê Trọng Mừng phấn khởi chia sẻ: "Xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới bước đầu gia đình lo lắng, băn khoăn nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, gia đình mạnh dạn thực hiện, đến nay thấy rõ được hiệu quả kinh tế thu nhập cao cũng như cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đã có nhiều hộ trong xóm cũng tự giác chăm sóc vườn theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới, có thể nói đây là việc làm "dân vận khéo" của Hội Nông dân cần tuyên truyền nhân rộng cho bà con nông dân trên địa bàn".
Còn đối với vườn chuẩn nông thôn mới của ông Phan Đình Ngọc, ở xóm Hồng An, xã Nghĩa Hồng, với diện tích trên 5.900 m2 được quy hoạch hợp lý, vùng trồng các loại cây ăn quả như na, ổi, vú sữa...
Vùng chăn nuôi hơn 10 con bò thịt, có hố ủ phân hữu cơ vi sinh, sử dụng hệ thống tưới tự động cho cây bằng tưới bét trên cao, ngoài việc tiết kiệm công lao động cho gia đình, còn giúp cho việc rửa sạch cây, tránh được một số sâu bệnh.
Ông Phan Đình Ngọc, cho biết: "Thực hiện vườn chuẩn nông thôn mới cho thu nhập cao hơn rõ rệt, gia đình tôi năm 2020 thu nhập từ vườn đạt 150 triệu đồng. Đến nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn nên thu nhập tăng lên, trừ chi phí gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm".
Cũng như vườn của ông Lương Quang Yên, ở xóm Xuân Tầm, xã Nghĩa Thành là mô hình vườn chuẩn nông thôn mới sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, ông Yên đã mạnh dạn quy hoạch lại vườn và đầu tư thực hiện các hạng mục như làm đường bê tông để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.
Lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động điều khiển từ xa; rác hữu cơ được ủ làm phân bón cho cây trồng; áp dụng biện pháp hữu cơ để phòng trừ dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Lương Quang Yên, vườn cây của gia đình phát triển xanh tốt, trĩu quả, nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm, đặt hàng thu mua với giá cao hơn so với thị trường, nhiều lúc không đủ để cung ứng cho các thương lái, nhất là vào dịp Tết.
Điều đó thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan, không gian sống trong lành của làng quê theo hướng xanh - sạch - đẹp, tạo cảnh quan nông thôn đáng sống.
Vườn mẫu nông thôn mới của gia đình ông Lương Quang Yên đã đạt giải Nhất cuộc thi "Vườn chuẩn nông thôn mới đẹp năm 2022" huyện Nghĩa Đàn và đạt giải Ba tỉnh Nghệ An.
Vườn mẫu mang giá trị nông thôn mới
Huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An luôn xác định, nâng cao đời sống cho nhân dân là vấn đề có tính cốt lõi, bền chặt. Với điều kiện thế mạnh sẵn có 3.400 ha đất vườn hộ, phần lớn là đất đỏ bazan, khí hậu, thổ nhưỡng và các điều kiện khác cơ bản thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, ổi, bơ...
Khi tỉnh Nghệ An có chủ trương xây dựng vườn chuẩn, năm 2020 cấp uỷ huyện chỉ đạo, UBND huyện ban hành đề án, HĐND huyện ban hành Nghị quyết, có các chính sách khuyến khích hỗ trợ, các cấp các ngành vào cuộc để triển khai thực hiện.
Đặc biệt, Hội Nông dân huyện trực tiếp vận động, khảo sát lựa chọn, hướng dẫn các hộ, từ quy hoạch đến xây dựng, chăm sóc, duy trì và phát triển các vườn chuẩn trên địa bàn.
Hội Nông dân huyện tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân trong xóm, trong xã tham gia ngày công lao động, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện nguồn vốn vay. Thành lập 56 tổ hội nông dân nghề nghiệp mà các hộ vườn chuẩn làm thành viên nòng cốt, cùng nhau trao đổi kiến thức làm vườn, cùng chia sẻ các kinh nghiệm, hỗ trợ nhau kết nối đầu ra cho sản phẩm của vườn ở các địa phương.
Khi triển khai các vườn chuẩn nông thôn mới, khó khăn nhất là tư tưởng của người dân, dân chưa hiểu được xây dựng vườn chuẩn là như thế nào. Xây dựng vườn chuẩn là phải có sự đầu tư của nhà nước, nuôi con gì, trồng cây gì phù hợp, băn khoăn tiêu thụ sản phẩm làm ra...
Cán bộ xóm tổ chức họp dân, vận động, giải thích cho dân hiểu xây dựng vườn chuẩn là trách nhiệm chính của người dân, làm là để mình được hưởng.
Kết quả ngoài mong đợi, đến nay đã nhân rộng thành công 64 vườn chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện, bà con nông dân phấn khởi, háo hức để tiếp tục thực hiện phong trào này.
Từ khu vườn tự phát sang tự giác có kế hoạch, từ khu vườn tự cung, tự cấp sang khu vườn làm kinh doanh, từ người nông dân đơn thuần thành người nông dân hiện đại, tiếp cận sản xuất hàng hóa.
Đây cũng là nội dung của mô hình "dân vận khéo" mà Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn tập trung xây dựng thành công trong những năm vừa qua.
Các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở cần đặt việc xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới là tiêu chí quan trọng trong công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; bổ sung, điều chỉnh tiêu chí công nhận vườn chuẩn nông thôn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn; ưu tiên tiêu chí phát triển kinh tế vườn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Hiệu quả kinh tế vườn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tiêu chí vườn chuẩn, hướng dẫn cho các hộ phát triển kinh tế vườn gắn với xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển vườn theo hướng sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và có liên kết với doanh nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm đến việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi của vườn để tạo năng suất, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phong trào xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, làm thay đổi nhận thức, ý thức vươn lên của đại đa số bà con nông dân hiểu rõ được thực hiện làm vườn chuẩn là làm "cho mình", "cho gia đình", mình là người trực tiếp hưởng lợi. Từ đó người dân tự giác xây dựng vườn chuẩn mà không cần phải trông chờ vào chính sách của Nhà nước hỗ trợ.
Ông Phan Thế Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết: "Việc triển khai xây dựng vườn chuẩn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã có được nhiều kết quả tích cực.
Kết quả đó nhờ sự quan tâm của cấp ủy các cấp, sự vào cuộc của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của địa phương.
Ngoài ra có sự quyết tâm của các vườn hộ, phong trào vườn chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng khắp, góp phần xây dựng huyện nhà sớm trở thành huyện Nông thôn mới, ngày càng giàu đẹp văn minh".