Các tàu Cảnh sát biển 2012, 2013 thuộc Hải đội 201 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2)
tham gia diễn tập chống cướp biển có vũ trang, buôn bán vận chuyển hàng hóa trái phép và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN
Qua đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã xây dựng các kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định; các đơn vị, lực lượng vũ trang, cơ quan thông tấn, báo chí để triển khai Đề án đạt hiệu quả tốt nhất.
Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn thực hiện Đề án phù hợp thực tế từng địa bàn, đối tượng; xác định rõ những nội dung trọng tâm, triển khai nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đối tượng, nhất là trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
Bộ Tư lệnh Vùng đã tổ chức biên soạn 32 giáo án, chuyên đề để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, nhân dân, ngư dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố; cấp phát hơn 2.400 tài liệu tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và 6 tỉnh miền Trung; hơn 15.000 tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; 4.600 đầu sách pháp luật có nội dung liên quan đến Luật Cảnh sát biển; 3.500 sổ tay tuyên truyền về Cảnh sát biển cho ngư dân.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã tổ chức 5 đợt học tập, giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; thực hiện quy định “Mỗi ngày học một điều luật”; duy trì và phát huy có hiệu quả 20 tủ sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị với số lượng hơn 10.000 cuốn sách, trong đó có hơn 2.000 đầu sách có nội dung về Luật Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ.
Hưởng ứng Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Cảnh sát biển, toàn Vùng có gần 3.000 lượt người tham gia cuộc thi tuần, tháng, trong đó 1 người đạt giải Ba cuộc thi tuần. Vùng Cảnh sát biển 2 đã tổ chức 41 hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho hơn 20.500 lượt người về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên; Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành; những điều ngư dân Việt Nam cần biết khi đánh bắt thủy sản trong vùng biển Việt Nam...
Ngư dân Bùi Thế Cả, thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành cho biết "Tôi cùng nhiều ngư dân đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thường xuyên được phổ biến Luật Cảnh sát biển. Từ đó, chúng tôi được nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo vệ môi trường biển, khai thác không vi phạm chủ quyền các nước bạn, luôn luôn chấp hành Luật Cảnh sát biển, Luật Thủy sản của Việt Nam, luôn luôn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc để có điều kiện được khai thác lâu dài hơn".
Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 cũng đã tập trung tuyên truyền cho ngư dân khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; vận động nhân dân, ngư dân khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả, bền vững gắn với việc nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng xây dựng thế trận lòng dân trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát duy trì pháp luật trên biển kết hợp với tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt trên biển. Các lực lượng đã tổ chức được hơn 150 tổ tuyên truyền lưu động đến từng phương tiện, tuyên truyền cho hơn 3.500 lượt ngư dân trên biển; cấp hơn 2.400 tờ rơi, tờ gấp các loại có nội dung về Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tuyên truyền, vận động chủ tàu khai thác hải sản xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; vận động các phương tiện tiếp tục bám biển, phát hiện và kịp thời báo cho lực lượng chức năng việc tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định.
Thượng tá Bùi Đại Hải, Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết: Việc tuần tra, kiểm tra thực thi pháp luật trên biển đối với lực lượng Cảnh sát biển nói chung trong đó Vùng Cảnh sát biển 2 nói riêng là rất quan trọng. Khi tuần tra, kiểm soát, lực lượng này nắm chắc tình hình diễn biến trên biển để dự báo tham mưu cho cấp trên kịp thời xử lý các tình huống quan đến bảo vệ chủ quyền, không để bị động, bất ngờ. Quan trọng nhất là lực lượng Cảnh sát biển tham gia xua đuổi các tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền của Việt Nam; tổ chức tuần tra, kiểm tra thực thi pháp luật; bảo vệ các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển. Cùng với việc góp phần phòng, chống tội phạm trên biển, Cảnh sát biển còn giúp đỡ ngư dân trong quá trình đánh bắt để bà con an tâm vươn khơi, bám biển.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong tình hình biển phức tạp hiện nay rất quan trọng, không những của cấp ủy chính quyền ở các địa phương và của các cơ quan chức năng liên quan. Để thực hiện tốt công tác này, thời gian qua, Vùng Cảnh sát biển 2 thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh việc tuyên truyền tập trung, Vùng Cảnh sát biển 2 còn huy động các đội, tổ công tác xuống cầu cảng trực tiếp tuyên truyền đến từng ngư dân, chủ tàu và thuyền trưởng để họ hiểu, thực hiện đúng pháp luật.
Các tàu làm nhiệm vụ trên biển, bên cạnh việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật trên biển còn kết hợp tuyên truyền để người dân nắm chắc hơn pháp luật khi đánh bắt, làm dịch vụ trên biển. Đặc biệt, trước đại dịch COVID-19, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên cũng được lực lượng Cảnh sát biển Vùng 2 đổi mới để phòng, chống dịch hiệu quả./.