Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ Vụ Pháp chế.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã báo cáo với Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ về một số kết quả công tác nổi bật của Vụ trong thời gian qua , đồng thời nêu lên một số vướng mắc và đề xuất các giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Vụ Pháp chế. Theo Bộ trưởng, “Đây là một trong những cơ quan vất vả của Bộ, tuy nhiên vẫn luôn hoàn thành công việc đúng thời hạn, chứng tỏ sự chăm chỉ, cố gắng của lãnh đạo và chuyên viên Vụ trong suốt thời gian qua.”.
Vai trò "nhạc trưởng" trong xây dựng thể chế
Về định hướng phát triển thời gian tới, Bộ trưởng chỉ rõ: Vụ Pháp chế giữ vai trò "nhạc trưởng" về xây dựng thể chế tại Bộ và trong toàn Ngành. Theo đó, Vụ cần làm tốt công tác kết nối các cán bộ làm công tác pháp chế trong Bộ, các cơ quan chuyên trách, các Sở TT&TT, doanh nghiệp toàn Ngành, tạo ra mạng lưới phối hợp liên tục, thống nhất; hàng năm tổ chức hội nghị ngành dọc toàn quốc để các đơn vị được tham gia, cập nhật kiến thức, giao lưu, trao đổi, học hỏi.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ; tạo cơ hội đào tạo cho các cán bộ học hỏi, trau dồi chuyên môn; luân chuyển cán bộ trong nội bộ hoặc các tổ chức, doanh nghiệp; giao các nhiệm vụ, công việc khác nhau để thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới.
Lãnh đạo đơn vị phải luôn đổi mới, làm việc mới hoặc làm việc cũ theo cách mới. Công việc nhiều thì cần ứng dụng công nghệ số. Vụ cần phối hợp với Trung tâm Thông tin đẩy nhanh việc phát triển trợ lý ảo (AI hẹp) phục vụ công tác pháp chế để giảm tải công việc.
Bộ trưởng lưu ý: Năm 2024, định hướng của Bộ là “Rộng hơn, toàn diện hơn, thiết thực hơn, chất lượng hơn và nhanh hơn” . Đối với lĩnh vực Pháp chế, “rộng hơn” là dung nạp nhiều nội dung, kiến thức mới và tạo sự khác biệt trong công tác xây dựng thể chế. Người làm công tác thể chế ngành TT&TT phải vừa nắm được luật và vừa phải có nền tảng về ngành TT&TT để có cái nhìn “toàn diện”, từ đó xây dựng pháp luật và đưa thể chế đi vào đời sống một cách “thiết thực”, có giá trị đối với người dân, doanh nghiệp. Làm công tác pháp chế phải là người tiên phong, mang tinh thần đổi mới, do đó cần “nhanh”, nhưng vẫn phải đi đôi với “chất lượng” vì liên quan đến thể chế thì phải đúng và chính xác.
Đẩy nhanh công tác thể chế số
Về công tác trọng tâm của Vụ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là chuyển đổi toàn diện, chính vì vậy, Vụ cần đẩy nhanh công tác thể chế số, sớm ra được bản đồ các văn bản QPPL để vận hành hoạt động thể chế trên môi trường số.
Vụ Pháp chế nên xây dựng các văn bản pháp lý của Bộ theo hướng "sửa ít, chất lượng và nhanh". Ngoài ra, Vụ cần xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh nghiệm quốc tế cho lĩnh vực của mình để có cơ sở tham vấn khi cần thiết.
Khác biệt của Vụ so với pháp chế các đơn vị khác là hiểu nghề TT&TT. Nền tảng chuyên ngành có khi lớn hơn nền tảng kiến thức pháp chế. Vì vậy, Vụ cần lựa chọn ra “bản sắc” của riêng mình, lưu giữ và phát triển bản sắc đó.
“Trên chặng đường phát triển của Vụ, Bộ luôn đồng hành và sẵn sàng cùng Vụ tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc.” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.