“Vũ khí” công nghệ chống dịch

Thứ ba, 10/08/2021 08:10

Nhiều giải pháp công nghệ số đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp (DN) mạnh dạn áp dụng vào phòng, chống dịch Covid-19, mang lại hiệu quả tích cực. Việc ứng dụng công nghệ giải quyết các thách thức từ dịch bệnh cũng thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, góp phần mở rộng chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam sẽ bước ra khỏi đại dịch trong một trạng thái mới - một đất nước, một xã hội được số hóa mạnh mẽ.

20210810-m01.jpg

Ứng dụng “Giải pháp khai báo y tế và kiểm soát ra vào nhà máy, tòa nhà, văn phòng, công sở” tại tòa nhà Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP Hồ Chí Minh).

“Chia lửa”với ngành y tế

Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao, TP Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển đổi chiến lược chống dịch sang giai đoạn mới. Theo đó, việc thống kê số ca dương tính giờ đã không còn tác dụng nhiều, mà chữa trị các ca F0 nặng, hạn chế số ca tử vong mới là vấn đề trọng tâm. TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc men,… dồn sức để tăng năng lực tiếp nhận bệnh nhân điều trị mỗi ngày.

Tuy nhiên, với con số khoảng 35 nghìn ca F0 đang được điều trị, trong đó gần 1.500 ca nặng, áp lực tạo ra với cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực y tế của thành phố là rất lớn. Hiểu rõ lợi thế của công nghệ và cũng để “chia lửa” với ngành y tế, Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã phối hợp Công ty Sáng tạo TMA (TMA Innovation) phát triển giải pháp “Đồng hồ theo dõi sức khỏe” dành cho các bệnh nhân F0.

Giám đốc điều hành TMA Innovation Trần Quốc Hồng cho biết: Đồng hồ này sẽ liên tục theo dõi, cập nhật các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân mà không cần nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp. Thông qua các chỉ số đo được, đội ngũ y, bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường, nhờ đó kịp thời chữa trị, tăng cơ hội cứu sống người bệnh. Công nghệ cũng giúp giảm việc trực tiếp thăm khám, theo dõi sức khỏe bệnh nhân hằng ngày, hạn chế tiếp xúc giữa người bệnh và nhân viên y tế để giảm nguy cơ lây nhiễm. Giải pháp sẽ được thí điểm tại một số bệnh viện dã chiến của TP Hồ Chí Minh trong tháng 8 này, sau đó sẽ tổng kết, báo cáo thành phố để xem xét tiếp tục triển khai diện rộng.

 

“Vũ khí” công nghệ chống dịch  -0

Nhân viên Viettel hỗ trợ vận hành “Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia” tại các điểm tiêm vắc-xin Covid-19 của TP Hồ Chí Minh. 

 

TP Hồ Chí Minh cũng đang tăng tốc tiêm chủng để sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Để quá trình tiêm chủng diễn ra nhanh trên diện rộng và an toàn, hiệu quả, giải pháp “Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia” đã được triển khai song hành với chiến dịch tiêm chủng. Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số thuộc Tổng công ty Giải pháp DN Viettel (đơn vị phát triển giải pháp) Khổng Văn Đông chia sẻ: Nền tảng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện trong bối cảnh địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Khi tham gia tiêm tại các điểm có ứng dụng nền tảng, người dân chỉ mất khoảng vài giây để xác nhận thông tin bằng mã QR. Thông tin được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quản lý tập trung và người dân có thể tra cứu “Chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19” của mình trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19. Việc cho phép đăng ký trước thông qua ứng dụng điện thoại cũng giúp hạn chế tiếp xúc giữa người đi tiêm và người phụ trách xác nhận thông tin. Triển khai tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 21/7, nền tảng tiêm chủng đang phát huy hiệu quả tốt và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Anh Hoàng Tùng (tiêm vắc-xin tại phường An Khánh, TP Thủ Đức) chia sẻ: “Sau khi tiêm hai ngày, chứng nhận tiêm chủng của tôi đã được cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Từ nay, khi qua các điểm kiểm dịch, tôi có thể quét QR Code để thông báo tình trạng tiêm chủng cá nhân. Hơn nữa, đây còn là căn cứ để xin hộ chiếu vắc-xin sau này”.

Giải pháp “Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia” đã được triển khai tại 62/63 địa phương trên cả nước. Theo thống kê của Viettel, đã có gần 3,5 triệu người Việt Nam có chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử. Hệ thống cũng sẵn sàng đáp ứng năm triệu mũi tiêm/ngày để phục vụ yêu cầu tiêm chủng tăng cường, mở rộng của Bộ Y tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng tình hình mới

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ hai tháng nay, Văn phòng Công ty cổ phần MISA tại TP Hồ Chí Minh với 700 nhân sự đã “làm việc từ xa” để phòng ngừa Covid-19. Trong quá trình này, công ty áp dụng nền tảng công nghệ “Quản trị DN hợp nhất MISA AMIS” (do chính MISA phát triển) để bảo đảm tất cả hoạt động không bị gián đoạn. Giám đốc Văn phòng Lê Hữu Nguyên cho biết, trên nền tảng có tích hợp phần mềm quản lý công việc, giúp theo dõi tình hình giao việc cũng như tiến độ thực hiện của từng phòng, ban, đội dự án một cách cụ thể và không bị sai sót. Ngoài ra, có phần mềm quản lý bán hàng, theo dõi tình hình chuẩn bị dữ liệu chào hàng của từng bộ phận, thực trạng hoạt động của từng khu vực, trung tâm theo ngày. Nhờ đó, lãnh đạo công ty dù ở Hà Nội vẫn nắm rõ tình hình, cơ hội kinh doanh cũng như doanh thu và lợi nhuận của toàn chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh; thậm chí, biết rõ tỷ lệ chuyển đổi cơ hội bán hàng thành doanh thu của từng nhân viên để từ đó có đánh giá và hỗ trợ, đào tạo kịp thời. “Ngoài tự giải quyết bài toán cho chính mình, MISA đã và đang hỗ trợ hơn 12 nghìn DN sử dụng bộ công cụ MISA AMIS để duy trì hoạt động từ xa hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, doanh thu của nền tảng MISA AMIS ngày càng tăng do có nhiều DN đặt hàng để tổ chức hoạt động từ xa”, ông Nguyên chia sẻ. Nhiều giải pháp công nghệ khác cũng đang được các DN ứng dụng nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh. Để kiểm soát nhân viên ra vào các tòa nhà, hạn chế dịch bệnh lây lan, trụ sở nhiều đơn vị như QTSC hay Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO),… đã áp dụng “Giải pháp khai báo y tế và kiểm soát ra vào nhà máy, tòa nhà, văn phòng, công sở”. Giải pháp này kết hợp nhiều chức năng trong một thiết bị như: Kiểm tra khẩu trang, đo thân nhiệt tự động, khai báo y tế và kiểm soát ra vào. Thiết bị còn ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng CMND/CCCD, gọi video, mã QR,… giúp xử lý giấy tờ và trao đổi từ xa, hạn chế tiếp xúc.

Ở một khía cạnh khác, dịch Covid-19 đang là “chất xúc tác” giúp DN thay đổi và nhận thức được sự cần thiết của ứng dụng khoa học - công nghệ. Theo TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, những DN biết chủ động ứng dụng công nghệ để ứng phó thách thức từ dịch bệnh sẽ chịu tổn thương ít hơn. Thậm chí, nhiều DN đã chủ động và nhanh chóng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp điều kiện thực tế mới, điển hình như việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch,… Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Viết Toàn cho rằng: Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu giúp DN đo lường hiệu quả kinh doanh, tăng tính cạnh tranh với các DN khác. Trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, áp lực của DN là phải chuyển đổi số càng nhanh càng tốt. Những DN có nguồn lực nên đầu tư mạnh vào công nghệ để có cơ hội thành công hơn. Tuy nhiên, phần lớn các DN chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ và vừa, trang bị hạ tầng công nghệ số còn thấp. Để có bước đột phá chuyển đổi số trong DN vừa và nhỏ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thực chất hơn, kết hợp tuyên truyền mạnh mẽ để DN thay đổi nhận thức và hỗ trợ nguồn nhân lực tư vấn để quá trình triển khai chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao hơn./.

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top