Buổi làm việc với Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam có sự tham dự có ông Đinh Văn Vĩnh, ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc cùng đại diện các đơn vị liên quan của VTV.
Chiến lược chuyển đổi số ngành Truyền hình Việt Nam với VTV đóng vai trò nòng cốt
Nhất trí với quan điểm của Lãnh đạo VTV “VTV sẽ là đài truyền hình quốc gia trên nền tảng số, không phải trên nền tảng sóng”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, VTV phải đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược chuyển đổi số của ngành Truyền hình Việt Nam. VTV có thể lựa chọn hai phương pháp tiếp cận: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số của VTV (do Tổng Giám đốc VTV phê duyệt) hoặc Xây dựng chiến lược chuyển đổi số lĩnh vực truyền hình (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), trong đó VTV đóng vai trò chủ đạo phối hợp cùng các đài truyền hình địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Hiện nay, VTV đang sở hữu hai nền tảng số quan trọng, đó là VTV Go và VTV News. Theo đại diện VTV, VTV Go đã phát triển được 5 năm, đạt được gần 27 triệu lượt cài đặt, dẫn đầu thị trường về lượt tải và xem. Xét về công tác tuyên truyền đối ngoại, VTV Go hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trở thành cầu nối cung cấp thông tin chính thống về tình hình chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam đến với hàng triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. VTV Go hiện đang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ miễn phí, tạo ra doanh thu nhờ phương thức quảng cáo tự động. Tuy nhiên, do phải cạnh tranh với các nền tảng nước ngoài, thu từ quảng cáo còn thấp nên doanh thu còn chưa xứng với tiềm năng.
Lãnh đạo VTV cũng bày tỏ quan ngại về hiện trạng vi phạm bản quyền các nội dung VTV sản xuất trên các nền tảng số và không gian số và mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ TT&TT. Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Báo chí - Bộ TT&TT cho hay, VTV cần tăng cường quản lý quyền về sở hữu nội dung của mình trên không gian số. Đối với các chương trình truyền hình VTV phối hợp sản xuất với các đơn vị đối tác, cần phải làm rõ phần chia sẻ doanh thu cũng như trách nhiệm khi phân phối các sản phẩm này trên các nền tảng số. Đã có những trường hợp, các đơn vị xã hội hóa đưa lên mạng những chương trình truyền hình trước khi biên tập, phát sóng để thu hút cộng đồng mạng, nhưng đến khi có vấn đề xảy ra, trách nhiệm lại thuộc về VTV, đại diện Cục Báo chí lưu ý.
Toàn cảnh buổi làm việc
Mô hình kinh doanh số của VTV còn nhiều dư địa tăng trưởng
Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ, trong tiến trình chuyển đổi số sắp tới, VTV cần đặt ra mục tiêu ngay trước mắt phải thực hiện là tối ưu hóa mô hình kinh doanh, đặc biệt chú trọng mô hình kinh doanh số, bên cạnh các mô hình kinh doanh truyền thống. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ là cơ sở vững chắc để giải quyết các vấn đề khác.
Từ góc độ là đầu mối phụ trách chuyển đổi số của Bộ TT&TT, đại diện Cục Tin học hóa cũng đưa ra một số nhận định, góp ý đối với tiến trình chuyển đổi số của VTV. Theo đó, hạ tầng mạng của VTV được đánh giá là mạnh, được đầu tư tốt, là một lợi thế lớn của VTV. Tuy nhiên, VTV cần đầu tư xây dựng nền tảng video (video platform) để có thể cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ quốc tế. Có thể đặt hàng các công ty công nghệ trong nước hoặc mua của nước ngoài. Trong thời đại CMCN 4.0, việc cung cấp dịch vụ theo phương thức cá nhân hóa sẽ mang lại các lợi thế về doanh thu, lợi nhuận, chiếm lĩnh thị trường nên VTV cần sử dụng các thông tin thu nhận được từ các nền tảng về hành vi người dùng, trải nghiệm người dùng để cung cấp những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
An toàn an ninh mạng là quan trọng hàng đầu
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin của Đài Truyền hình Việt Nam. An toàn phát sóng và an toàn của hệ thống CNTT của VTV là trọng điểm cấp quốc gia nên các hệ thống thông tin này cần được sự giám sát, bảo vệ của cả ba cơ quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ TT&TT, Thứ trưởng lưu ý.