VTN - 20 năm làm “động mạch chủ”

Thứ tư, 31/03/2010 19:30

“Nếu ví toàn mạng lưới hạ tầng viễn thông của Việt Nam như những mạch máu lan tỏa khắp đất nước thì mạng viễn thông đường trục liên tỉnh chính là những động mạch chủ trong một cơ thể đang phát triển mạnh mẽ…”, ví von đó của Giám đốc công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN) đang được chứng minh bằng chính sự phát triển đi lên trong 20 năm qua của những con người đã và đang dốc sức cho VTN.

img

Giữ vững “mạch máu” thông tin từ những ngày đầu

Ngay từ ngày đầu thành lập (31/3/1990) Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã ghi dấu ấn bằng việc góp sức vào công cuộc hiện đại hóa và nâng cao năng lực bưu điện quốc tế và trong nước, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đến nông thôn, miền núi; hải đảo.

Trong chặng thời gian từ năm 1990 đến 1993, VTN đã hoàn thành một cách ngoạn mục việc tự động hóa và số hóa toàn mạng viễn thông cấp 1 (liên tỉnh) cả truyền dẫn và chuyển mạch. Lần lượt các công trình như công trình thông tin cáp sợi quang Hà Nội-Tp.HCM có khả năng truyền đồng thời 480 kênh thông tin cùng các tín hiệu phát thanh truyền hình chất lượng cao; Các tổng đài liên tỉnh TĐX-10 (Hàn Quốc) tại Hà Nội, Tp.HCM…vv… được đưa vào hoạt động, hình thành mạng viễn thông quốc gia cấp 1. Tiếp đến là đáp ứng phục vụ cho 27 tỉnh, thành phố được trang bị tổng đài điện tử các loại hiện đại như Siemens (Đức), Alcatel (Pháp), Goldstar (Hàn Quốc) sản xuất...

Chỉ trong vòng 3 năm từ khi thành lập những địa phương như Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái là những điểm vùng sâu vùng xa cuối cùng của đất nước được số hóa mạng truyền dẫn liên tỉnh và chuyển mạch số.

Trong những năm tiếp theo VTN đã đưa vào sử dụng mạng truyền dẫn viba số 140 Mbit/s Siemens (Đức) đường trục Bắc-Nam cùng một số tuyến viba số liên tỉnh quan trọng khác như tuyến 140 Mbit/s ATFH (Pháp) Tp.HCM-Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, cuối năm 1995 VTN đã góp phần đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển mạng viễn thông Việt Nam khi toàn bộ 188 huyện miền núi, vùng cao có điện thoại.Đó chính là nhờ mạng viễn thông đưa 10 huyện của hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang cùng với 16/19 cửa khẩu biên giới đã được số hóa hòa mạng liên lạc với mạng quốc gia và quốc tế.

imgCũng trong năm này VTN hoành thành một cách xuất sắc bằng sự kiện phương thức viba băng rộng đã thông tuyến suốt từ Lạng Sơn đến tận Cà Mau. Hàng loạt các dự án lớn được tiến hành, như dự án: nâng cấp đường trục tuyến cáp quang Hà Nội-Tp.HCM từ kĩ thuật PDH 34 Mbit/s lên công nghệ SDH 2,5Gbit/s, tương đương với 30.000 kênh thoại;Tuyến cáp quang trên đường dây 500kV qua hơn 20 trạm được tự động hóa ở mức rất cao, đạt trình độ công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt, hệ thống đồng hồ đồng bộ quốc gia chính thức được VTN thực hiện và hoàn thành vào tháng 7/2005, là một mốc quan trọng trọng quá trình hiện đại hóa mạng lưới và quản lý kĩ thuật, cập nhật với công nghệ thế giới.

Những thành tích đáng nể

Năm 1996 sau khi Tổng cục Bưu điện chuyển đổi VTN thành doanh nghiệp nhà nước tư cách pháp nhân, hạch toán toàn ngành, chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành mạng viễn thông liên tỉnh, VTN đã tăng tốc phát huy lợi thế và mọi khả năng để tiếp tục gặt hái những thành công không ngờ.

Trong các năm 1998, 1999, hàng loạt tuyến cáp quang hiện đại được đưa vào khai thác như: mạng Ring – TP Hồ Chí Minh (2,5Gbit/s), TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh – Tây Ninh, Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Tuyên Quang, Hà Nội – Hưng Yên – Thái Bình (622 Mbit/s), TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu,... đã nâng đáng kể cả về số lượng và chất lượng đương thông từ hai trung tâm lớn (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đến các khu vực trọng điểm.

Ông Lương Mạnh Hoàng, Giám đốc VTN cho biết: “ Trong tổ chức sản xuất kinh doanh, VTN luôn chú trọng phát triển các dịch vụ viễn thông trên mạng có vị trí nền tảng cho phát triển dịch vụ viễn thông, như: Kênh thuê riêng liên tỉnh; Truyền tín hiệu phát thanh, phát hình; Điện báo liên tỉnh; Telex liên tỉnh; Các dịch vụ ISDN….”.

Chính từ từ những dịch vụ này, VTN đã luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đột xuất có ý nghĩa xã hội rộng lớn khác, như phục vụ cầu truyền hình Đại hội Đảng, cầu truyền hình Tết Nguyên đán, phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN 6 (1998), giải bóng đã Tiger Cup (1998) và các ngày lễ lớn của dân tộc... Thành tự này đánh dấu chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị trực tiếp của VTN bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và luôn được đánh giá cao.

Sự tăng tốc của VNT phải kể đến mốc năm 2004 khi mạng viễn thông thế hệ mới NGN chính thức được đưa vào khai thác. Trong thời kì này, VTN cũng đã phục vụ đắc lực nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, điển hình là Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trương kinh tế Á – Âu, phục vụ SeaGames 22, ParaGames 22,… các ngày lễ lớn: Ngày truyền thống của Ngành, Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh và giao lưu văn hóa trên cầu truyền hình. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ đột xuất ở một số khu vụ nhạy cảm về an ninh chính trị ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Huế, phục vụ bầu cử HĐND các cấp, Hội nghị ASEM 5, giúp nước bạn Lào bảo đảm thông tin phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN 10…

imgLiên tiếp trong nhiều năm VTN được Nhà nước và ngành ghi nhận những đóng góp không nhỏ như : Huân chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 1993-1998; Huân chương Độc lập hạng Ba giai đoạn 1998-2003; Danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới giai đoạn 1991-2000; Huân chương Độc lập hạng Nhì giai đoạn 2004-2008.

11 năm liên tiếp nhận Cờ thi đua của Chính phủ tặng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và nhận 19 Huân chương Lao động các hạng: Nhất, Nhì, Ba cho tập thể và cá nhân trực thuộc Công ty; Huân chương Lao động Hạng nhì cho Công đoàn Công ty giai đoạn 2002-2007. Ngoài ra Đảng bộ Công ty liên tục 20 năm đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Chưa kể còn rất nhiều Bằng khen và Cờ thi đua và các danh hiệu khác mà các cấp Bộ ngành đã khen tặng cho Công ty. Đặc biệt, nhân dịp kỉ niệm 15 năm thành lập Công ty VTN, Bộ BCVT Việt Nam (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tặng bức trướng lưu niệm cho các CBCNV Công ty gồm 08 chữ vàng: “Trí tuệ - Năng động – Tiên phong – Vượt khó““.

Ghi nhận những đóng góp của VTN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNPT ông Phạm Long Trận cho rằng: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, ngành Bưu điện nói chung và Công ty VTN nói riêng luôn đi đầu trong công cuộc thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, cùng với Tập đoàn BCVT Việt Nam thực hiện thành công chiến lược số hóa toàn mạng lưới từ analog sang digital và ngày càng hiện đại hóa mạng lưới, đưa ngành Viễn thông của Việt Nam sánh kịp với thế giới. Sau 20 năm hình thành và phát triển, VTN đã có những bước phát triển đột phá, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng xứng đáng là nhà cung cấp mạng đường trục viễn thông hàng đầu tại Việt Nam và đi đầu trong việc đổi mới, nghiên cứu và cập nhật những công nghệ mới…”.

“Dồn chân” cho chặng đường mới

“Trong tương lai gần chúng tôi đã định hướng khá rõ về phát triển mạng và ứng dụng công nghê, về định hướng kinh doanh cũng như về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó chúng tôi cũng xác định nguồn nhân lực luôn đóng vai trò cốt yếu để tạo nên sự phát triển vàtạo nên giá trị cho xã hội…”, ông Lương Mạnh Hoàng chia sẻ.

Theo đó VTN chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển con người, củng cố và phát triển đội ngũ nhân sự đủ tài, đủ tâm, và đủ tầm, kiến tạo một môi trường làm việc năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình vào sự phát triển chung.

Trong những năm tới, VTN sẽ tiến hành đào tạo và đào tạo lại ở tất các trình độ từ thấp đến cao trên tất cả các lĩnh vực cho toàn bộ CBCNV. Mặt khác, thực hiện tốt Quy chế tuyển dụng của Công ty theo hướng thu hút đội ngũ cán bộ mới đủ năng lực, có tâm, có tài đảm bảo tính liên tục, kế thừa và đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao.

Không chỉ vậy, VTN cũng nhắm vào khả năng đa dạng hóa dịch vụ, tính hội tụ giữa thoại và số liệu, tính thống nhất giữa cố định và di động, tính tích hợp giữa mạng viễn thông và mạng máy tính và vào tính tự động hóa trong quá trình quản lý và điều hành mạng lưới…

Trong giai đoạn 2010-2015, Công ty Viễn thông Liên tỉnh xác định mục tiêu chính là tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới viễn thông đường trục quốc gia, hoàn thiện mạng thế hệ mới NGN trên toàn quốc, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của Tập đoàn cũng như của xã hội về việc phát triển các dịch vụ trên nền mạng thế hệ mới như dịch vụ IPTV, truyền hình hội nghi, các dịch vụ cho 3G… Để đạt được mục tiêu này, VTN xác định phải đi tắt đón đầu công nghệ, bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới nhất của thế giới để ứng dụng cho mạng lưới, tăng dung lượng và chất lượng đường truyền.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top