Chiều ngày 9/6/2021, tại Hà Nội, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông kiêm Phó Trưởng Ban TGTW Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC). Cùng dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Hoàng Vĩnh Bảo, Phan Tâm, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Huy Dũng và đại diện các Đơn vị liên quan của Bộ TT&TT. Về phía Tổng Công ty VTC có ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên cùng toàn thể Ban Tổng Giám đốc, Lãnh đạo chủ chốt các đơn vị thành viên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng Bộ TT&TT tại buổi làm việc
Cần ngôi sao dẫn lối
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, VTC trong thời điểm hiện tại, một thời điểm mang tính quyết định vận mệnh của Tổng công ty, cần phải có một Ban giám đốc, đặc biệt là một Tổng Giám đốc mới, còn trẻ, có gen gốc của VTC. Đây phải là người có tầm nhìn, có khát khao cháy bỏng muốn hồi sinh VTC, là người dám có giấc mơ lớn, có tư duy khác biệt, có năng lực đặc biệt để kích hoạt sự sáng tạo của toàn thể nhân viên VTC. Người đó phải trở thành ngôi sao dẫn lối, đem lại khát khao, thổi luồng sinh khí mới cho VTC.
Nhìn lại chặng đường thành công VTC đã đi qua, Bộ trưởng cho rằng VTC đã từng là công ty dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực hoạt động: là công ty đầu tiên triển khai truyền hình số mặt đất, truyền hình HD, truyền hình di động và cũng là công ty đầu tiên làm mảng game online.
Để có những thành tựu như vậy, VTC đã được xây dựng dựa trên nền tảng của những giá trị cốt lõi để từ đó làm nên thành công; đã dám có những ước mơ lớn, đã dám đi đầu, dám chấp nhận rủi ro của người đi đầu, từ đó tạo ra thành công, trở thành người chiến thắng trên thị trường.
Vậy nên, trong thời điểm khó khăn hiện nay, Bộ trưởng cho rằng, ban lãnh đạo cùng toàn thể đội ngũ VTC hãy cùng nhìn lại những giá trị cốt lõi của mình, cùng suy nghĩ xem những giá trị cốt lõi đã tạo nên thành công của VTC là gì. Hãy cùng nhìn lại phía sau, chiêm nghiệm các bài học quá khứ rồi hãy tiến về phía trước.
Tiến lên phía trước, phát triển nền tảng số, giải bài toán Việt Nam, nỗi đau Việt Nam
Cuộc cách mạng số với những công nghệ như AI, cloud computing, big data, nền tảng (platform) đang và sẽ mở ra cơ hội phát triển chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Bộ TT&TT đang đóng vai trò dẫn dắt trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. VTC, một Tổng công ty công nghệ nhà nước với một quá khứ, lịch sử huy hoàng cần phải nhận lấy sứ mệnh của mình trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia ấy, chịu trách nhiệm phát triển một số nền tảng số nhằm giải quyết những vấn đề mang tính toàn quốc hoặc mang tính lĩnh vực, vừa góp phần phát triển đất nước tiến tới cách mạng số, vừa là quá trình chuyển mình, thay đổi trong nội tại để tồn tại, phát triển và thịnh vượng trong thời kỳ mới.
Toàn cảnh buổi làm việc
Góp ý cho Chiến lược và kế hoạch hành động của Tổng Công ty VTC trong 5 năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở, chỉ ra những con đường VTC có thể bước tiếp trong tương lai trên cơ sở những lợi thế, tài nguyên hiện có của Tổng công ty:
Xây dựng các nền tảng cho báo chí và truyền hình địa phương
VTC có thể xây dựng một nền tảng chung phân phối các chương trình của 63 đài truyền hình địa phương sử dụng công nghệ hiện đại với chi phí thấp hay không? Đây hiện là vấn đề khó khăn chung của các đài truyền hình địa phương trên cả nước, nội dung chương trình không phong phú, sử dụng công nghệ lạc hậu.
VTC cũng có thể nhận nhiệm vụ xây dựng một nền tảng chung cho tất cả cơ quan báo chí quốc gia để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của hàng ngàn cơ quan báo chí trên cả nước.
Đào tạo kỹ năng số cho toàn dân
Kỹ năng số là tiền đề, là điều kiện tiên quyết quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Không có kỹ năng số, không thể lên môi trường số, từ đó không thể phát triển kinh tế số, xã hội số. VTC liệu có thể phát triển nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, trang bị cho họ những kỹ năng, kiến thức cần thiết về công nghệ số để người dân có thể tìm được việc làm mới và có thể tham gia nền kinh tế số với những kỹ năng số.
Thiết kế game giáo dục, game thể thao, game phục vụ học tập
Trước đây, VTC là một công ty phân phối, cung cấp các dịch vụ game giải trí. Game giải trí, một loại sản phẩm số, cũng có mặt trái của riêng nó, khiến cho người chơi, đặc biệt trẻ em ham mê đến mức nghiện, tạo ra nỗi đau cho nhiều bậc phụ huynh. VTC nên thiết kế, sáng tạo những game phục vụ học tập, game thể thao thay vì chỉ tập trung vào game giải trí.
Cung cấp dịch vụ theo hướng cá thể hoá, khơi dậy sáng tạo cá nhân
Cá thể hoá là xu thế lớn nhất của công nghệ số. VTC có thể phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ dựa trên cá thể hoá với sự hỗ trợ của công nghệ AI. VTC hãy đi đầu quá trình sáng tạo sản phẩm, trong đó khách hàng vừa là người mua, vừa là người, vừa là người tiêu tiền, vừa là người tạo ra tiền trên nền tảng số.
Xây dựng thương hiệu xuất sắc dựa trên sản phẩm xuất sắc
VTC vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường, là một thương hiệu có giá trị. Định hướng phát triển thương hiệu cho VTC trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, muốn xây dựng thương hiệu mạnh, xuất sắc VTC phải giới thiệu, cung cấp được những sản phẩm xuất sắc và chỉ làm những sản phẩm xuất sắc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bộ TT&TT cam kết sẽ đồng hành cùng VTC trong bước đường phát triển sắp tới của Tổng Công ty. Là một doanh nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT, Tổng Công ty VTC hãy tận dụng những ưu thế đó để “dám đi đầu”, “dám tạo sự khác biệt”, trở thành một doanh nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam./.
Các giai đoạn phát triển của Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC: Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC): Tiền thân là Xí nghiệp Dịch vụ sửa chữa vận hành thiết bị PTTH, được thành lập năm 1988 chuyên kinh doanh thiết bị phát thanh, truyền thanh, lắp ráp Tivi đen trắng, màu. 1993-1995: Hình thành Công ty Đầu tư và Phát triển kỹ thuật thông tin (INTEDICO) (trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam VTV). 1996-2002: Thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình (VTC) (trực thuộc VTV) 2003-2005: Trở thành đơn vị trực thuộc Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT). Công ty VTC đã chuyển từ kinh doanh thiết bị sang cung cấp dịch vụ đa phương tiện là chủ đạo, với dịch vụ khởi đầu là truyền hình số mặt đất. Cũng trong giai đoạn này, thành lập Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (trực thuộc Tổng Công ty VTC), đánh dấu sự tham gia vào lĩnh vực biên tập, sản xuất nội dung chương trình truyền hình. 2006-2009: Công ty VTC chuyển thành Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện. Đây là giai đoạn phát triển nhất của VTC với việc thử nghiệm, triển khai dịch vụ truyền hình trên mạng Internet và mạng di động, sản xuất kênh truyền hình độ nét cao HDTV, ra mắt kênh truyền hình tương tác iTV. 2010-2012: Chuyển công ty mẹ Tổng Công ty thành Công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ 2013 – nay: Tổng Công ty VTC tập trung thúc đẩy mảng nội dung số, truyền hình, viễn thông, CNTT. Trong giai đoạn này, diễn ra quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ: Chia tách Đài VTC chuyển về trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Cơ cấu tổ chức: Tổng Công ty VTC là doanh nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT với Hội đồng thành viên và Ban Tổng Giám đốc. Các đơn vị hạch toán phụ thuộc và đơn vị thành viên, liên kết gồm: Công ty VTC Intecom (Game, Pay, media); Công ty VTC Digital (Truyền hình), Công ty VTC Digicom (Viễn thông, CNTT), Công ty VTC Mobile (Game), Công ty NetViet (sản xuất truyền hình, quảng cáo truyền hình), Công ty CTC (thiết bị truyền hình), Công ty VTC Online.
|