Vpostcode giải nhiều bài toán khó cho người dân và doanh nghiệp
Tồn tại nhiều năm của hệ thống dữ liệu địa chỉ tại Việt Nam
Nhiều năm qua, hiện trạng về dữ liệu địa chỉ ở Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập như: Chưa có đơn vị quản lý chung cũng như quy chuẩn trong vấn đề địa chỉ; Nhiều bộ, ban, ngành có liên quan tới dữ liệu địa chỉ những mỗi bộ, ban, ngành lại chỉ liên quan đến một phần dữ liệu địa chỉ, ví dụ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch liên quan tới các địa chỉ cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch; Bộ Nội vụ liên quan tới thủ tục hành chính; Bộ Xây dựng liên quan đến quy hoạch đô thị, đánh số nhà...
Bản chất dữ liệu địa chỉ cũng không đồng nhất. Các khu vực thành phố lớn, đô thị thì có đánh số nhà, nhưng ở khu vực nông thôn thì không. Cấu trúc xác định địa chỉ (chẳng hạn, đánh số ngõ – hẻm – số nhà) ở miền Nam và miền Bắc khác nhau...
Năm 2017, Bộ TT&TT đã ban hành bộ mã bưu chính quốc gia, gán mã đến 4 đối tượng gồm: hệ thống hành chính về phường, xã, đơn vị hành chính tương đương; điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính công cộng; điểm phục vụ bưu chính thuộc mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, đại diện quốc tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn chung, cách thức hiển thị địa chỉ và mô tả đối tượng trên hệ thống bản đồ số còn phức tạp, khó chia sẻ, truyền đạt các thông tin về địa chỉ trên hệ thống các bản đồ. Cùng với đó, việc làm giàu dữ liệu, đối chiếu, bổ sung các dữ liệu còn thực hiện theo cơ chế thụ động.
Hệ thống dữ liệu địa chỉ như vừa nêu có thể đáp ứng yêu cầu giải quyết các bài toán đa dạng, phong phú trong đời sống xã hội.
Nhiều ngành, lĩnh vực cần có dữ liệu địa chỉ chính xác
Dữ liệu địa chỉ có vai trò rất quan trọng trong xã hội số, kinh tế số. Chẳng hạn như trong thương mại điện tử, một số trang web đã triển khai dịch vụ xác thực địa chỉ của khách hàng để tránh địa chỉ fake (giả mạo), không có thực. Những địa chỉ fake này sẽ khiến việc giao nhận bưu gửi tới địa chỉ rất khó khăn, làm giảm hiệu suất giao nhận bưu gửi.
Một số ngành, lĩnh vực khác như cung ứng các dịch vụ điện, nước, gas, viễn thông, an ninh... cũng đều rất cần có dữ liệu địa chỉ chính xác để tăng độ hài lòng của khách hàng khi sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu hỗ trợ của khách hàng một cách nhanh chóng nhất.
Trong quá trình nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, thành phố Đà Nẵng đặt bài toán địa chỉ bưu chính phải gán mã và xác định được cả vị trí, tọa độ không chỉ các địa danh du lịch, địa danh công cộng mà cần gán mã đến các cây ATM, bến xe buýt, ... để hướng tới xây dựng hệ sinh thái thông minh trên nền tảng IoT.
Còn tỉnh An Giang mong muốn đưa tất cả tọa độ, vị trí của trạm BTS, cột điện, cầu cống ... đưa lên bản đồ số, và mỗi khi cần triển khai các dịch vụ cấp cứu khẩn cấp, sửa chữa bảo dưỡng, vận hành của thành phố, chỉ cần công cụ bản đồ số kết hợp định vị vệ tinh là có thể giải quyết được kịp thời.
Theo ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT), công nghệ số giúp thông minh hóa các hạ tầng của thành phố thông minh. Một cột đèn được gọi là thông minh nếu nó có thể sẵn sàng lắp đặt 1 trạm thu phát sóng, camera, cảm biến (sensor); một cây cầu được gọi là thông minh nếu nó sẵn sàng lắp đặt các camera giao thông, cảm biến, trạm quan trắc; thậm chí một cống ngầm được gọi là thông minh nếu nó được thiết kế nhân đôi để phục vụ cho việc đi ngầm các đường dây điện lực cáp quang… Mở rộng ra, một tuyến phố, một khu đô thị, một khu hành chính công cộng thông minh phải được cấu thành từ những hạ tầng thông minh để không phải đào đường, giảm thiểu ách tắc, người dân chỉ cần ở trong khu đô thị cũng tiếp cận được mọi dịch vụ xã hội. Với tư duy ấy, yếu tố thông minh phải được đưa vào bản thiết kế quy hoạch của thành phố ngay từ khi được phê duyệt. Công cụ bản đồ số không chỉ được sử dụng để quản trị thành phố sau này mà nó chính là công cụ để quy hoạch “ kiến trúc thông minh” gắn liền với bản đồ quy hoạch phát triển của thành phố.
Vpostcode và những giá trị gia tăng từ dữ liệu địa chỉ
Nhận nhiệm vụ do Chính phủ và Bộ TT&TT giao, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) với lực lượng lao động trên 50.000 người hoạt động trên phạm vi cả nước đã nhanh chóng nhập cuộc thu thập dữ liệu để hoàn thiện nền tảng mã địa chỉ bưu chính quốc gia Vpostcode.
Thời điểm ra mắt hồi tháng 5/2020, Vpostcode cung cấp thông tin về mã địa chỉ và vị trí, tọa độ của hơn 23 triệu địa chỉ. Cấu trúc của mã gồm 2 phần, một là 5 ký tự của mã bưu chính quốc gia do Bộ TT&TT ban hành; hai là 7 ký tự là mã vị trí mở, giúp gán mã các địa chỉ và định vị (kết hợp tọa độ vị trí) trên nền tảng bản đồ số.
Hiện nay, rất nhiều vùng nông thôn chưa có tên đường, phố, số nhà, trong khi rất nhiều dịch vụ xã hội đòi hỏi địa chỉ tường minh. Vpostcode là một công cụ để gán “địa chỉ số” cho hộ gia đình.
“Trong lĩnh vực tài chính có những quy định liên quan tới hồ sơ tài chính cá nhân cũng như mở tài khoản yêu cầu cung cấp rõ địa chỉ, nhưng người làm hồ sơ lại sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chưa có địa chỉ được quy hoạch, đánh số, đặt tên, thì có thể sử dụng Vpostcode để tạo mã địa chỉ bưu chính cho mình nhằm xác thực với tư cách công dân”, ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post nêu dẫn chứng về giá trị, tiện ích của Vpostcode.
Minh họa thêm về những giá trị khác của Vpostcode trong việc giải các bài toán ứng dụng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh: Hệ thống Vpostcode có thể tối ưu lời giải cho các bài toán tìm kiếm các địa chỉ về y tế, phòng cháy chữa cháy, địa chỉ phục vụ các tiện ích của người dân trên bản đồ số.
“Chúng tôi đã phối hợp với nhiều bên liên quan như phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác thực địa chỉ về các cơ sở giáo dục, trường học; với Bộ Y tế về các cơ sở khám chữa bệnh, y tế; với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về các cơ sở lưu trú; với Hội Chữ thập đỏ về các địa chỉ nhân đạo; Hội Phụ nữ về các địa chỉ tin cậy trong các chương trình phòng chống bạo hành trẻ em hoặc phụ nữ... Đấy là nền tảng để giúp người dân có thể nhanh chóng tìm đến cơ sở mình cần”, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Post cho hay.
Đồng thời, hệ thống Vpostcode cũng được thiết kế để nhận phản hồi của người dân về các vấn đề xảy ra trên địa bàn để cộng đồng cùng biết như các địa điểm ùn tắc giao thông, tai nạn, cháy nổ, vi phạm trật tự an toàn...
Ngoài ra, Vpostcode cũng kết nối giữa nền tảng bản đồ số Vmap để sẵn sàng thử nghiệm hỗ trợ các hệ thống quản lý về đô thị thông minh như mạng lưới cung cấp điện, mạng lưới cấp thoát nước, hạ tầng mạng lưới giao thông, quản lý cây xanh cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác... Để làm được việc này, Bưu điện Việt Nam còn tiếp tục phải bổ sung, cập nhật dữ liệu để phục vụ những bài toán cụ thể của từng địa phương.