Tổ chức nhà nước nào thì cũng sẽ gặp những vấn đề sau: Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều; khi một người có kiến thức tốt dời đi là một mất mát lớn đối với tổ chức; một người mới vào lại bắt đầu từ số 0. Công việc thì luôn tăng lên, người thì luôn giảm đi; lương thấp mà yêu cầu thì ngày một tăng; các qui định ngày càng nhiều, không ai có thể nhớ hết. Các vùng xám cũng không ngừng tăng và cũng vì vậy mà tăng lên các rủi ro pháp lý do sai sót không cố ý. Phải là một người rất siêu việt mới có thể tồn tại được trong bối cảnh này. Nhưng người siêu việt thì lại có nhiều lựa chọn khác ngoài nhà nước. Vậy có cách nào để những người không siêu việt có thể làm được ở khu vực nhà nước không?
Với 3 cuộc cách mạng công nghiệp mà nhân loại đã đi qua, đó là: Cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá. Khi máy móc chỉ thay thế được lao động chân tay, thì không có cách nào giải quyết được căn cơ câu chuyện trên.
Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với công nghệ cốt lõi của nó là các công nghệ số, có thể giúp số hóa toàn bộ thế giới thực và sau đó dùng công nghệ số để xử lý nhiều hoạt động trong thế giới số, tương tự như trong thế giới thực và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, khi máy móc có thể thay thế một phần lao động trí óc thì lời giải xuất hiện. Lời giải đó mang tên chuyển đổi số.
Với nền tảng làm việc số, khi mà tri thức của tổ chức được số hoá và cấy vào nền tảng thì người công chức làm việc tức là ngồi trên nền tảng này. Một công việc cần giải quyết thì nền tảng sẽ hiện ra các hướng dẫn, có thể hiện thêm các trường hợp tương tự đã được giải quyết trước đây. Ngồi trên nền tảng làm việc số tức là đã có 7 điểm của thang điểm 10. Vậy là, trong tổ chức của chúng ta, sự chênh lệch chất lượng không phải là từ 1 đến 10 nữa mà sẽ là từ 7 đến 10.
Những tri thức mới được phát hiện trong quá trình làm việc có thể là bởi người xuất sắc nhất của tổ chức, sẽ được lập trình vào nền tảng số để trở thành tri thức của tổ chức. Như vậy, nền tảng số này liên tục được tiến hoá. Người có thể ra đi khỏi tổ chức nhưng tri thức thì còn lại trong tổ chức dưới dạng được số hoá trong nền tảng làm việc.
Các qui định mới cũng được cấy thêm vào nền tảng. Trước đây, khi có một qui định mới là phải học tập, phải đào tạo, phải quán triệt nhưng người nhớ, người không, người hiểu, người không. Người hiểu thì cũng có trăm cách hiểu khác nhau, dẫn đến chất lượng công việc rất khác nhau. Bây giờ thì không phải dạy cho trăm, cho ngàn người, mà chỉ dạy cho máy. Máy hỗ trợ trăm, ngàn người thì luôn giống nhau, trăm người như một. Như vậy, việc phổ biến một tri thức mới chỉ đơn giản là cấy trí thức này vào nền tảng làm việc của tổ chức.
Những người giỏi nhất của Bộ, của ngành sẽ làm cho nền tảng số của Bộ thông minh lên.
Anh Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng, thay vì phải dạy rất nhiều người thì tập trung vào dạy một người thôi, đó là dạy cho nền tảng số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những người giỏi nhất của Bộ, của ngành sẽ làm cho nền tảng số của Bộ thông minh lên. Khi nền tảng này thông minh rồi thì xuất hiện phép phân thân của Tôn ngộ không. Tôn ngộ không nhổ một sợi tóc của mình rồi thổi một cái là thành 100 Tôn ngộ không. Một anh Hùng thổi một cái là thành 100 anh Hùng. Bởi vì, ai ngồi làm việc trên nền tảng số này thì ít nhất cũng đã đạt được 70% của mức chuyên gia rồi.
Xin chúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 sẽ xây dựng được một nền tảng làm việc số của Bộ để người của ngành có sự đồng đều, đỡ vất vả, giảm rủi ro, chất lượng công việc thì tăng lên. Ngành Thông tin và Truyền thông có thể giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nền tảng số, cấy tri thức vào nền tảng. Nhưng tri thức của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì phải do anh Hùng, do ngành cung cấp, chúng tôi không làm thay được.
Đưa vào vận hành nền tảng làm việc số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính là chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Xin chúc Bộ và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tất cả các đồng chí một năm mới chuyển đổi số với những kết quả thực chất!
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông