Đó là những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT diễn ra tại sáng ngày 9/6/2016, tại trụ sở VNPT.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phan Tâm, đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ TT&TT. Về phía VNPT, có ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT, ông Phạm Đức Long – Tổng Giám đốc VNPT và đại diện các Phòng, Ban của VNPT.
Bộ trưởng chỉ đạo, trong lĩnh vực CNTT, VNPT cần xây dựng lộ trình, định hướng cụ thể, cụ thể hóa thành doanh thu, lợi nhuận và truyền tải thông điệp này đến từng cán bộ, nhân viên. Hàng năm VNPT cần xem xét lại mục tiêu, chiến lược đã đặt ra xem có đạt chỉ tiêu về doanh thu hay không, tránh tình trạng chuyển doanh thu từ mảng này sang mảng khác. Bộ trưởng ủng hộ chủ trương của VNPT lấy mảng CNTT là mảng chủ đạo để phát triển trong tương lai.
Báo cáo với Bộ trưởng về tình hình phát triển mảng CNTT của VNPT, Tổng Giám đốc VNPT - Phạm Đức Long phát biểu, hiện VNPT có khoảng 1.500 lao động hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và CNTT. Phần mềm Chính phủ điện tử là sản phẩm CNTT chủ đạo của VNPT trong thời gian gần đây. Giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT liên thông cả 4 cấp từ phường, xã đến Cổng TTĐT Chính phủ. Hiện có 40 tỉnh, thành đang triển khai một phần các giải pháp này và 17 tỉnh đang triển khai toàn bộ từ tỉnh xuống đến cấp xã. Trong lĩnh vực y tế, 3.700 trong tổng số 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc đang sử dụng hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh của VNPT. VNPT hiện đang thống lĩnh thị trường này với thị phần lớn nhất. Trong lĩnh vực giáo dục, phần mềm quản lý trường học VNEdu đang được 9.100 trường học sử dụng, phục vụ 3,8 triệu học sinh các cấp. Ông Phạm Đức Long cho biết thêm, VNPT cũng đang phối hợp với các đối tác xây dựng cơ sở dữ liệu quy mô lớn phục vụ các Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý đất đai và môi trường.
Tổng Giám đốc VNPT - Phạm Đức Long phát biểu
Liên quan đến quá trình tái cơ cấu của Tập đoàn, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long cho biết, VNPT đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT sau 3 giai đoạn, kéo dài từ 1/4/2014. Kết quả, đã xây dựng được hệ thống kinh doanh dịch vụ và quản lý cơ sở hạ tầng xuyên suốt, chuyên biệt, đã thành lập 3 Tổng Công ty (VNPT Network, VNPT Vinaphone và VNPT Media). Trong quá trình tái cơ cấu, VNPT đã chuyển hơn 10.000 lao động sang bộ phận kinh doanh, giảm số lao động làm công tác quản lý xuống còn 10% so với mức 20, 30% trước đây.
Ông Phạm Đức Long nhấn mạnh, sau tái cơ cấu, Tập đoàn hoạt động theo chuỗi giá trị, chuyên biệt trong đó công ty mẹ đóng vai trò quản lý chất lượng, đào tạo và giám sát. Về mục tiêu chiến lược phát triển của VNPT giai đoạn 2016- 2020, ông Phạm Đức Long cho biết, VNPT Vinaphone đang nỗ lực đạt thị phần hơn 30% trong thị trường di động, trong lĩnh vực cố định sẽ phấn đấu giữ vị trí số 1 trên thị trường với 20% thị phần. VNPT sẽ là số 1 trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ CNTT với thị phần trên 50%. Đặc biệt, VNPT hướng tới mục tiêu trở thành nhà mạng có chất lượng mạng và chất lượng dịch vụ tốt nhất do khách hàng đánh giá, bình chọn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, VNPT trải qua quá trình tái cơ cấu thời gian qua cũng giống như một cuộc đại phẫu, trong đó có việc tách Mobifone khỏi Tập đoàn mang theo 40% doanh thu và 60% lợi nhuận. Thứ trưởng cho rằng mặc dù doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn, nhưng đây cũng là một nỗ lực khi Tập đoàn vừa phải tái cơ cấu, hoạt động trong một mô hình hoàn toàn mới, vừa phải giữ thị phần trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt trong khi không phải dùng đến các giải pháp mạnh như giảm bớt số lượng người lao động làm việc tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng VNPT cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu. Đó thực sự phải là những người có năng lực điều hành, quản lý trong môi trường cạnh tranh khó khăn.
Về công tác xây dựng kế hoạch, mục tiêu kinh doanh, Thứ trưởng cho biết ông chưa nhìn thấy nhiều sự đột phá, chưa thấy rõ mô hình tăng trưởng, lợi thế so sánh của VNPT so với các nhà mạng khác. Theo Thứ trưởng, khi tiếp cận với 4G, IoT, các nhà mạng đều có xuất phát điểm ngang nhau. Đây là cơ hội cho VNPT vươn lên phía trước, nhưng điều này chưa được nhấn mạnh trong mục tiêu phát triển VNPT giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận những điểm mạnh, lợi thế của VNPT trong thị trường viễn thông, CNTT Việt Nam. Đây là tập đoàn có bề dày lịch sử 70 năm và cũng là đơn vị đầu tiên kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam. VNPT là một thương hiệu mạnh, có uy tín với mạng lưới phân phối rộng khắp. Đội ngũ cán bộ của VNPT trình độ cao, giàu kinh nghiệm. VNPT cũng đã được cấp đầy đủ giấy phép và có đầy đủ năng lực để tham gia cung cấp dịch vụ băng rộng và dữ liệu tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Sở hữu công nghệ tiên tiến, hiện đại, mạng cáp quang, mạng đường trục quốc gia kết nối vệ tinh VINASAT, VNPT có đủ điều kiện cung cấp đa dịch vụ trên một hạ tầng mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, trong lĩnh vực CNTT, VNPT không nên đi theo lối cũ của chính mình và người khác mà nên tìm những con đường mới. Đó chính là cơ hội để phát triển trong thị trường cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay và trong tương lai.
Bộ trưởng lưu ý, VNPT cần chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực. VNPT cần có chiến lược phát triển con người theo tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh ở trong nước và vươn ra biển lớn.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo VNPT cần tập trung ổn định bộ máy và xây dựng rõ nét văn hóa VNPT. Cần xây dựng bộ máy trong sạch, ưu tiên năng lực hơn là bằng cấp lý thuyết, đặc biệt cần chú trọng công tác luân chuyển cán bộ để phát hiện nhân tài và bố trí đúng người, đúng việc. VNPT cần nỗ lực làm chủ công nghệ, thay vì phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.
Bộ trưởng yêu cầu VNPT phải xây dựng các khung kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể 3 năm, 5 năm, đồng thời liên tục rà soát điều chỉnh theo quý thay vì theo năm để luôn nắm bắt, theo kịp xu hướng thị trường, xu hướng công nghệ. VNPT cũng cần hướng tới kinh doanh đa quốc gia, đồng thời coi Viễn thông là dịch vụ xuất khẩu để tăng GDP quốc gia. Ngoài ra, VNPT cần thúc đẩy phong trào thi đua, tạo môi trường khơi gợi sự sáng tạo. Đây là cách thức để giữ chân người lao động giỏi, thu hút nhân tài, giảm bớt tình trạng chảy máu chất xám./.