Trước thực trạng cạn kiệt IPv4, để phát triển hạ tầng số, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu “Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)” (Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Triển khai chuyển đổi Internet IPv6 là một cuộc cách mạng trong phát triển Internet thế hệ mới. Đây là vấn đề lớn, phức tạp về công nghệ và quản lý, vì vậy cần có các phương án kỹ thuật, quy hoạch sử dụng hiệu quả tài nguyên Internet IPv6, nếu việc này không thực hiện tốt sẽ dẫn đến không tối ưu sử dụng tài nguyên, không đảm bảo chất lượng, an toàn mạng gây lãng phí nguồn lực, thậm chí phải triển khai lại.
Thực tế ngoài các doanh nghiệp, tổ chức lớn đã triển khai thành công IPv6, cung cấp dịch vụ cho người dùng Internet, thì đa số các doanh nghiệp, tổ chức đơn vị nhỏ mới ở giai đoạn bắt đầu còn khá lúng túng trong việc quy hoạch địa chỉ IPv6, chưa tuân thủ các nguyên tắc, khuyến nghị tiêu chuẩn.
Do đó, ngày 5/8/2021 Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), với vai trò là đơn vị quản lý hoạt động cấp phát tài nguyên địa chỉ Internet quốc gia tại Việt Nam đã triển khai buổi tập huấn trực tuyến (Webinar) với chủ đề “Hướng dẫn quy hoạch địa chỉ IPv6 cho các tổ chức và doanh nghiệp”. Tham dự buổi tập huấn có hơn 100 học viên đến từ các doanh nghiệp viễn thông VNPT, Mobifone, FPT, SPT, VTC, VISHIPEL,… và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các tổ chức, doanh nghiệp khác có mạng sử dụng địa chỉ IP độc lập tại Việt Nam (BKSN, NETNAM, HTC, SCTV, SPT, VTC, DIGINET, VNTT, BAC A Bank, Cục Bưu điện Trung ương (CPT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI)…).
Nội dung tập huấn bao gồm các nội dung cụ thể, thiết thực về quy hoạch và sử dụng IPv6 trên mạng lưới như các nguyên tắc, tiêu chuẩn áp dụng trong phân hoạch địa chỉ IPv6; cách thức sử dụng các công cụ trực tuyến để tính toán, phân chia địa chỉ IPv6; áp dụng thực tế việc phân hoạch vùng địa chỉ trên hệ thống mạng của tổ chức, doanh nghiệp phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; các ví dụ, mô hình cụ thể với một số trường hợp điển hình. Buổi tập huấn đem lại cho các học viên kiến thức cơ bản, có tình ứng dụng thực tiễn cao, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng đúng, hiệu quả các vùng IPv6 đã được phân bổ, cấp phát trong hoạt động mạng lưới, dịch vụ.
Tài liệu hướng dẫn quy hoạch địa chỉ IPv6 đã được đưa lên trang VNNIC Internet Academy tại địa chỉ https://academy.vnnic.vn/huong-dan-quy-hoach-dia-chi-ipv6. Trong thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục triển khai tư vấn, hướng dẫn các thành viên địa chỉ để đưa tài nguyên Internet vào sử dụng an toàn hiệu quả hướng tới mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi hoàn toàn mạng Internet Việt Nam sang IPv6.
Tới tháng 7/2021, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 8 trên thế giới về tỷ lệ chuyển đổi IPv6 (tăng 2 bậc so với 2020), đạt 45% với hơn 34 triệu người sử dụng truy cập Internet IPv6, đứng thứ 2 khu vực ASEAN.
TT |
Quốc gia |
Tỷ lệ sử dụng IPv6 |
1 |
Ấn Độ |
73.87% |
2 |
Bỉ |
61.30% |
3 |
Hy Lạp |
51.12% |
4 |
Malaysia |
47.09% |
5 |
Saudi Arabia |
45.72% |
6 |
Phần Lan |
45.36% |
7 |
Hoa Kỳ |
45.09% |
8 |
Việt Nam |
45.00% |
9 |
Thái Lan |
43.02% |
10 |
Mexico |
42.67% |
Top 10 quốc gia tiêu biểu toàn cầu về ứng dụng IPv6 (Nguồn APNIC)
Việc kiểm tra tốc độ truy cập Internet IPv6 có thể thực hiện bằng ứng dụng i-Speed do Trung tâm Internet Việt Nam phát triển, cài đặt ứng dụng tại https://i-speed.vn, https://speedtest.vn. Người sử dụng i-Speed được các doanh nghiệp di động miễn cước data khi dùng ứng dụng.
VNNIC Internet Academy là hệ thống học liệu mở online về Internet được cung cấp tại https://academy.vnnic.vn/ do VNNIC phát triển. Hệ thống cung cấp kiến thức cơ bản, chuyên sâu về Internet, công nghệ mọi đối tượng người dùng Internet Việt Nam. Bên cạnh đó, VNNIC Internet Academy còn là nơi quy tụ các chuyên gia Internet trong và ngoài nước để cùng xây dựng và cung cấp cho cộng động Internet Việt Nam những kiến thức mới nhất, thiết thực nhất góp phần xây dựng phát triển mạng Internet Việt Nam cũng như các nền tảng sử dụng công nghệ Internet. |