Đồng thời, VNCERT đã ghi nhận 19.786 sự cố gồm các loại sự cố tấn công lừa đảo (phishing), tấn công thay đổi giao diện (deface) và tấn công cài mã độc lên website (malware); đã phát hiện gần 3,4 triệu lượt địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet.
Năm 2014 cũng là năm VNCERT đã đẩy mạnh hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho các ngành và địa phương, trong đó có Cục Bảo vệ An ninh, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao; hỗ trợ xử lý sự cố cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Sở TT&TT Phú Yên, Lâm Đồng, Vietnam Airlines, CMC Telecom…
Về hoạt động chống tin nhắn rác và thư rác, VNCERT đã cấp mới mã số quản lý cho 7 doanh nghiệp, gia hạn mã số quản lý cho 53 doanh nghiệp, thu hồi mã số quản lý của 19 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn. Tuy nhiên, có sự gia tăng tin nhắn rác có nội dung lừa đảo dụ dỗ người dùng gọi điện tới tổng đài 1900.
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, VNCERT đã chủ trì triển khai xây dựng dự thảo Luật An toàn thông tin từ giữa năm 2014 và đã chuyển giao chính thức cho Cục An toàn thông tin từ tháng 12 theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao các thành tích đã đạt được của VNCERT trong năm 2014. Tình hình tin nhắn rác và thư rác đã được cải thiện nhiều. Hoạt động điều phối ứng cứu sự cố trong nước và khu vực đã được triển khai nhiều và hiệu quả. Thứ trưởng ghi nhận, trong năm qua VNCERT đã thực hiện tốt việc hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho các bộ ngành và địa phương. Thứ trưởng chỉ đạo trong năm 2015, VNCERT cần tiếp tục phối hợp với Cục An toàn thông tin hoàn thiện và trình Quốc hội dự thảo Luật An toàn thông tin. Quy hoạch an toàn thông tin số đã triển khai được 5 năm, cần tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả đạt được. Thứ trưởng cũng lưu ý trong những năm qua nhiều tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam có tỷ lệ máy tính nhiễm mã độc, botnet cao nhất thế giới, VNCERT cần đề xuất các kế hoạch, giải pháp cụ thể để cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong lĩnh vực này.