Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số, ngay từ đầu năm, cùng với tập trung thực hiện các nhiệm vụ cam kết với BTV Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tổ chức ký cam kết, giao nhiệm vụ thực hiện chỉ tiêu đến từng phòng, ban, đơn vị và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, chất lượng các chỉ tiêu được giao.
Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo như: Kế hoạch số 177 về thực hiện Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 55 về triển khai nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, xã hội số và thí điểm chuyển đổi số tại 4 xã, thị trấn; Kế hoạch số 95 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022; Kế hoạch số 105 về nâng cao nhận thức, đào tạo, tập huấn, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2025. Tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp về chuyển đổi số. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10; chỉ đạo các đơn vị viễn thông tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ, đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; chỉ đạo các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số…
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, đơn vị đã hoàn thành 26/29 nhiệm vụ. Trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao như: Chỉ tiêu thu hút, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính phủ số. Năm 2022, UBND tỉnh giao có trên 100.000 lượt người sử dụng nhưng 9 tháng qua, toàn tỉnh đã có 22.196.242 lượt truy cập, sử dụng các dịch vụ. Với chỉ tiêu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu công nghệ số, an toàn thông tin, Sở đã tổ chức được 9 lớp cho trên 5.900 lượt, cao gấp 24 lần so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Chỉ tiêu tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập về an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, 9 tháng năm 2022, Sở đã tổ chức đào tạo cho 166 lượt cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, cao gấp 7 lần so với chỉ tiêu giao.
Đối với 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành gồm: Tỷ lệ hoạt động giám sát, kiểm tra được thực hiện thông qua môi trường số; tỷ lệ tổ chức, công dân đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử từ mức hài lòng trở lên và chỉ tiêu có từ 240 tin,bài/năm, đăng trên chuyên trang Chuyển đổi số của Cổng Thông tin –Giao tiếp điện tử tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu trong tháng 12/2022.
Cũng là đơn vị đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực phục vụ chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số; giao chỉ tiêu chuyển đố số đến từng phòng, đơn vị.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số có nhiều thuận lợi do 100% cán bộ, công chức, viên chức của Sở áp dụng tốt phần mềm quản lý văn bản và tất cả văn bản đi/đến cơ quan đều triển khai trên hệ thống phần mềm. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số được thực hiện trong tất cả các nhiệm vụ chuyên môn. Các phần mềm nền tảng như: Phần mềm quản lý văn bản, hộp thư điện tử công vụ, phần mềm một cửa và các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn mang lại hiệu quả tích cực. Cổng thông tin điện tử được nâng cấp, cung cấp đầy đủ các thông tin hoạt động, các thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, dự án kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, thông tin đấu thầu, mua sắm công…
Sở đã triển khai 59 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó có 50 thủ tục hành chính đăng ký và thành lập doanh nghiệp mức độ 4, 9 thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam mức độ 3; chuẩn hóa, số hóa hồ sơ tài liệu đăng ký doanh nghiệp của tỉnh, giúp việc quản lý, tra cứu, cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời; duy trì, áp dụng và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công vụ, phục vụ tốt yêu cầu của tổ chức, cá nhân đến làm việc.
Tính đến tháng 10/2022, Sở đã hoàn thành 12/15 chỉ tiêu chuyển đổi số, gồm: Tỷ lệ phản ánh kiến nghị của tổ chức, công dân trên hệ thống phản ánh, kiến nghị được điều phối kịp thời đến các cơ quan có trách nhiệm giải đáp, thực hiện; cập nhật tình hình kế hoạch đầu tư công trên hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký năm 2022 được cập nhật trên cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính đầy đủ trên phần mềm một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến/tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã tiếp nhận; tỷ lệ báo cáo định kỳ của cơ quan được thực hiện qua hệ thống thông tin báo cáo…
Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số được giao, thời gian tới, Sở kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm kinh phí đầu tư công cho hoạt động chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ quản lý và phát triển doanh nghiệp; các chương trình xúc tiến đầu tư, hướng dẫn về các quy định liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực quản lý, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, công dân. Cùng với đó, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu của ngành theo dạng dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh hoặc hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương.
Năm 2022, Sở Xây dựng được UBND tỉnh giao 15 nhiệm vụ chuyển đổi số. Để sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về công tác quy hoạch, quản lý độ thị như: Quy định về quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp dữ liệu về công trình ngầm đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch phát triển cấp nước sạch đô thị và các khu công nghiệp...Cuối tháng 2/2022, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị ký cam kết thực hiện nhiệm vụ giữa trưởng các phòng, đơn vị với Giám đốc Sở.
Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, 6 phòng, 2 đơn vị trực thuộc Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, giao trách nhiệm cho từng cá nhân, bộ phận và lấy việc thực hiện các chỉ tiêu được giao làm thước đo đánh giá cán bộ cuối năm. Cụ thể như Văn phòng Sở, để hoàn thành 8 nội dung cam kết, Chánh Văn phòng Sở đã quán triệt đến từng cán bộ nâng cao đạo đức công vụ, nhiệt tình, trách nhiệm, không sách nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp; giải quyết các văn bản hành chính thông thường bảo đảm đúng và trước hạn; tăng tỷ lệ văn bản đến/đi trên phần mềm quản lý văn bản. Phòng Quản lý nhà, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2022; quy định quản lý nhà chung cư trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh chương trình tổng thể phát triển nhà ở đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Phòng Quy hoạch kiến trúc thực hiện lập quy chế quản lý kiến trúc các đô thị trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện lập quy chế quản lý kiến trúc các điểm dân cư nông thôn; triển khai thực hiện Đề án cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng, đô thị…
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến tháng 10, Sở đã hoàn thành 12/15 nhiệm vụ, gồm, Tham mưu ban hành Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và đề xuất thí điểm triển khai trên một số khu vực địa phương; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính đầy đủ trên phần mềm một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến/tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã tiếp nhận; tỷ lệ văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản ký số…
Đặc biệt, Sở đã rà soát toàn bộ hồ sơ, tài liệu, bảo đảm 100% dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực xây dựng được thực hiện mức độ 3, 4; đưa việc tra cứu thông tin về quy hoạch, về các dự án phát triển đô thị, dự án bất động sản…được thực hiện ở mọi lúc mọi nơi trên các thiết bị di động có kết nối internet. Riêng lĩnh vực hoạt động xây dựng, Sở sẽ tiến tới bãi bỏ các quy định gửi hồ sơ thiết kế in giấy đến cơ quan Nhà nước để thẩm định. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần gửi file mềm có dấu và chữ ký điện tử. Đồng thời, áp dụng rộng rãi mô hình hóa thông tin công trình; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng nhằm giúp cơ quan quản lý Nhà nước và chính doanh nghiệp biết nhu cầu tiêu thụ và biến động giá theo quý, theo tuần đối với từng loại vật liệu xây dựng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, đến tháng 10/2022, ngoài 2 đơn vị đã hoàn thành 100% nhiệm vụ chuyển đổi số là Bảo hiểm xã hội tỉnh và Cục Thống kê tỉnh thì các sở, ban, ngành, địa phương đều hoàn thành khoảng 80-90% số nhiệm vụ. Riêng 2 chỉ số: Tỷ lệ tổ chức, công dân đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử từ mức hài lòng trở lên; tỷ lệ hình thức họp trực tuyến của cơ quan với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan (tính từ thời điểm được trang bị hệ thống họp trực tuyến), phần lớn các cơ quan chưa đạt đều do phần mềm chưa trích xuất được báo cáo đánh giá và các cơ quan chưa được trang bị hệ thống họp trực tuyến.