Vĩnh Phúc: Mô hình trồng rau hữu cơ cần được đầu tư nhân rộng

Thứ tư, 09/09/2015 12:57

Chúng tôi về xã Định Trung là một xã nhỏ thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc để tìm hiểu về mô hình trồng rau hữu cơ của bà con nông dân tại đây. Đã bước sang đầu mùa thu nhưng ánh nắng chói chang của đợt nắng nóng cuối cùng của mùa hè vẫn như đang cố len lỏi vào mọi ngóc ngách của xe. Trên đường đi mặc dù thời tiết không chiều lòng đoàn công tác nhưng bù lại không khí tưng bừng suốt dọc đường, cờ hoa, khẩu hiệu áp phích chào mừng Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã phần nào làm dịu không khí nắng nóng oi bức của thời tiết.

img

 Vùng sản xuất rau hữu cơ của bà con xã Định Trung- TP Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Thái Hưng

Đã có hẹn từ trước nên khi đoàn chúng tôi tới Nhà văn hóa thôn đã thấy ông Trưởng thôn và đông đảo bà con nông dân, những người trực tiếp sản xuất đã đợi và đón đoàn với cái bắt tay, nụ cười thân thiện. Bước vào nhà văn hóa chúng tôi thấy thật choáng ngợp vì cả một bức tường treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, hình ảnh phong trào của thôn, có lẽ đây là một trong những thôn có nhiều thành tích của xã trên mọi mặt của nông thôn mới.

Trao đổi với nhóm nông dân trồng rau hữu cơ. Ảnh Thái Hưng

Trao đổi với một số bà con nông dân ở đây, được biết mô hình trồng rau an toàn ở đây được bắt đầu từ năm 2005 ban đầu theo chủ trương  của xã cho bà con đấu thầu và tự làm. Ban đầu xã chỉ hỗ trợ trao đổi thông qua các lớp học nghề. Gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2105 đã phát huy tác dụng hiệu quả với các lớp dạy nghề cho bà con nông dân tại đây.
 
Cả diện tích trồng rau tại đây chủ yếu là đất đồi khoảng 2,5 ha tương đương 25.000 m2, một hộ bà con ở đây có thể trồng và chăm sóc từ 1,5-2 sào tương đương 540-720 m2. Với diện tích trồng như vậy, một hộ nông dân tùy theo mùa có thể trồng các loại rau như: rau cải xanh, xu hào, bắp cải, mướp, muống... 1 năm trung bình có khoảng 3-4 vụ. Trung bình 1 tuần với diện tích trồng bà con có thể cung cấp khoảng 500-700kg.
 
Lao động ở đây chủ yếu là lao động nữ với độ tuổi từ 30-55, ở độ tuổi này hầu hết bà con đều làm nông nghiệp, là người địa phương sinh sống tại đây, bà con rất hiểu đất đai, thổ nhưỡng ở đây. Lao động nam thường đi làm những việc khác còn đối với trồng rau chỉ hỗ trợ chút ít khi cần.
 
Khó khăn của bà con nông dân
 
Cái khó nhất của chăn nuôi, trồng trọt không phải là lao động vất vả mà vẫn là đảm bảo đầu ra sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Lan -53 tuổi là lao động chính quản lý hơn 700 m2 đất trồng ở đây cho biết: Bà con nông dân ở đây cũng muốn đầu tư thêm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rau nhưng khi có sản phẩm rồi không biết tiêu thụ ở đâu? Trước đây cũng có một vài công ty, đại lý cùng tham gia thu gom sản phẩm nhưng rồi họ cũng bỏ dần và thu gom không đều. Hiện nay chỉ còn công ty VietGarden đang thu gom với sản lượng hạn chế. Với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng thì vẫn chưa kích thích bà con đầu tư thêm để có thể thu lợi nhuận lớn hơn.
 
Chị Hoàng Thị Lan, xóm Nọi, xã Định Trung giới thiệu về cách chăm sóc giàn mướp của gia đình. Ảnh Thái Hưng
 
Đồng ý kiến với chị Lan, chị Nguyễn Thị Sáu – 48 tuổi và chị Hoàng Thị Quyết - 47 tuổi chia sẻ: nếu sản phẩm làm ra nhiều mà không có đơn vị nào đứng ra thu mua sẽ rất khó khăn cho bà con nông dân vì sẽ không có tiền để đầu tư trở lại. Rau, củ quả đến kỳ thu hoạch là phải thu hoạch ngay, nếu để lâu sẽ bị hỏng, kém chất lượng không đảm bảo được đầu ra. Nếu không có công ty nào thu mua phải đem sản phẩm ra chợ bán. Sản phẩm rau hữu cơ khó có thể cạnh tranh được được với rau trồng bình thường khác do mẫu mã không được đẹp như các rau được bón phân chuồng và phun thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên.
 Một số khó khăn khác bà con chia sẻ: nguồn nước hạn chế, chủ yếu bà con dùng nguồn nước tưới tiêu bằng cách khoan giếng và xây bể trữ nước, không dùng nước hồ, ao. Mặc dù nước sông được bơm thường xuyên vào kênh mương nhưng chủ yếu là để dùng cho cánh đồng trồng lúa, bà con đã trồng rau sạch cũng phải đảm bảo nguồn nước riêng từ giếng khoan và bể nước và đi kiểm tra thường xuyên để đảm bảo nước sạch, không ô nhiễm…
Việc đảm bảo giống cây trồng cũng là vấn đề quan trọng đảm bảo rau phát triển tốt. Giống cây vẫn phải mua của các đại lý tư nhân, không có gì đảm bảo rằng giống cây được bán ra sau khi gieo trồng sẽ có sản lượng cao nhất.
Tham quan cánh đồng trồng rau sạch của bà con cảm nhận của đoàn thấy đây vẫn là mô hình nhỏ lẻ chưa được quan tâm phát triển, cần xây dựng mô hình quy mô hơn.
Với diện tích đất như vậy bà con vẫn chưa phân khu vực riêng biệt để trồng từng loại rau, có lẽ đây là cách làm ăn vẫn còn mang nặng tư hữu của nông dân Việt Nam. Các gia đình trồng rau ở đây mặc dù đã có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau nhưng vẫn chưa phân chia và chưa có ai đảm bảo trong từng bước trong quy trình trồng rau sạch. Mặt khác, để các sản phẩm được bán chạy, các đại lý thu mua yêu cầu phải đảm bảo quy chuẩn, phải được lựa chọn từ khâu chọn giống ban đầu đến chăm sóc tự động và cấp giấy chứng nhận sản phẩm…
 
Mặc dù bà con trồng rau hữu cơ đã có nhiều thay đổi trong cách trồng, chăm bón, từ sử dụng thuốc và phân bón hóa học sang dùng thuốc và phân bón sinh học, ý thức về rau an toàn và an toàn thực phẩm được nâng cao nhưng vẫn còn ở mức hạn chế trong đầu tư ban đầu và trong các quy trình trồng và chăm sóc sản phẩm. 
 
Những thuận lợi trong nghề
 
Qua trao đổi về việc hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong mô hình trồng rau sạch tại đây bà con cho biết, gần đây chính quyền địa phương cũng đã quan tâm đến mô hình và có hỗ trợ đào tạo kỹ thuật khá thiết thực. Chương trình dạy nghề cho bà con nông dân cũng đuợc tổ chức thường xuyên hơn, với nhiều loại hình: trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề thủ công… Đáng chú ý và được bà con hoan nghênh ủng hộ là các lớp học, tập huấn về kỹ thuật trồng trọt. Các lớp tập huấn này được giảng dạy trong khoảng thời gian 3 tháng trực tiếp tại các nhà văn hóa, gần với thực tế đã đem lại nhiều kết quả khả quan trong việc ứng dụng vào thực tế cho bà con. Từ khi tiếp xúc và áp dụng kỹ thuật khoa học mới được đào tạo đã giúp người nông dân ở đây tiết kiệm thời gian, công sức trong việc trồng trọt và chăn nuôi.
 
Có thể nói thuận lợi thứ 2 của nông dân tại đây là mô hình khu vực hợp tác xã bà con đã phát huy thế mạnh, diện tích đất trồng được chính quyền địa phương cấp đủ cho bà con canh tác, từ mô hình này đã cải tạo đất đai ở khu vực ngày một tốt hơn. Ngoài ra hệ thống điện lưới ở đây cũng được đảm bảo tốt giúp hỗ trợ nhiều trong chăn nuôi và trồng trọt của người dân.
 
Những luống rau mồng tơi được canh tác tự nhiên, không dùng phân bón hóa học. Ảnh Thái Hưng
 
Mong muốn và hướng đi của bà con
 
Mong muốn lớn nhất của bà con đề xuất vẫn là đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm của bà con sản xuất cần được các đại lý, siêu thị trực tiếp mua bao tiêu sản phẩm.
 
Trao đổi với bà con về việc áp dụng khoa học kỹ thuật từ các lớp học được đào tạo, đầu tư hệ thống nhà lưới kiểm soát được mưa, nắng và nhằm phòng tránh đối tượng côn trùng gây hại; Kỹ thuật canh tác dựa trên mô hình khoa học đã được đúc kết phổ biến cho bà con ở các lớp học của chính quyền địa phương. Bà con ở đây đã từng bước ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học vào thực tiễn để việc nuôi trồng quy mô hơn nhưng do mức độ đầu tư quá lớn nên ngay lập tức cần có sự hỗ trợ của chính quyền cũng như của các công ty thu mua sản phẩm. 
 
Ở mô hình thực tế hiện nay bà con cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hơn hỗ trợ ngoài việc tổ chức các lớp hướng dẫn đào tạo về mặt khoa học kỹ thuật còn phải phối hợp với bà con nông dân ở đây phân chia khu vực, xây dựng các kênh tưới tiêu phù hợp, cho vay vốn để giúp bà con nông dân phát triển mạnh nghề trồng rau hữu cơ hiện nay.
 
Chia tay với bà con đoàn công tác chúng tôi mong muốn lần về thăm địa phương lần sau sẽ có sự đổi thay rõ nét trong định hướng và các mong muốn của bà con dần trở thành hiện thực.
 

 

Tiến Anh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top