Ảnh minh họa
Hiện nay, Trung tâm dữ liệu tỉnh cùng Trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh đang vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu hiện có trên địa bàn.
Hệ thống thông tin báo cáo Vĩnh Phúc được Văn phòng UBND tỉnh triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để thực hiện báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Hệ thống đã kết nối liên thông với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, thiết lập đầy đủ chế độ báo cáo của các đơn vị vào hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, gồm 26 chế độ và 123 chỉ tiêu báo cáo. Hiện 100% cơ quan, UBND cấp huyện đã thực hiện báo cáo trên hệ thống.
Nhiều ứng dụng thường xuyên được sử dụng đã tạo ra dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu biểu như hệ thống quản lý văn bản, điều hành của tỉnh và các sở, ngành, địa phương; hệ thống thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của tỉnh; hệ thống Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử; hệ thống thông tin báo cáo, công báo điện tử; hệ thống phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh…
Các sở, ngành, đơn vị đều triển khai các ứng dụng phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó thay đổi phương pháp làm việc, tăng năng suất lao động, giảm thời gian tìm kiếm dữ liệu, số liệu, góp phần minh bạch hóa thông tin và cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu với thông tin có tính chất chuyên ngành sâu cũng dần hình thành và được cập nhật như cơ sở dữ liệu về điều tra cá thể hằng năm, chỉ số giá, niên giám thống kê, hộ nghèo, đào tạo nghề, theo dõi diễn biến rừng, nông thôn mới, quản lý cầu đường, quản lý công nghệ, địa chính, tuyển sinh, tốt nghiệp…
Tuy nhiên, hiện tại các hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu nêu trên đều hoạt động tương đối độc lập, không có sự kết nối, tích hợp, chia sẻ để phục vụ khai thác dữ liệu; dữ liệu chưa có sự xác thực, thống nhất và chưa cập nhật thường xuyên; chỉ khi có yêu cầu về xử lý một số thủ tục hành chính thì các cơ quan, đơn vị liên quan mới bắt đầu kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Nhằm đẩy mạnh phát triển, kết nối và chia sẻ dữ liệu số dùng chung; thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dữ liệu mở, công cụ phân tích dữ liệu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, phân tích phục vụ sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ chuyển đổi số tại cấp xã, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã phục vụ quản lý nhà nước.
Hợp tác với các tập đoàn công nghệ thử nghiệm và thuê các ứng dụng dùng chung của tỉnh như cổng dịch vụ công, một cửa điện tử cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; phần mềm quản lý văn bản (mở rộng, đồng bộ đến các cơ quan Đảng, đoàn thể 3 cấp (tỉnh - huyện - xã); Trung tâm Giám sát điều hành thông minh IOC và các dịch vụ đô thị thông minh; hệ thống bản đồ GIS dùng chung; kho dữ liệu điện tử dùng chung; cơ sở dữ liệu đất đai... Đồng thời, liên tục củng cố an toàn, an ninh mạng, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, dữ liệu…