Là một trong những điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng cả nước, những năm qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trấn Tam Đảo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giới thiệu, quảng bá, phòng chống dịch, phục vụ khách, phát triển du lịch thông minh.
Xác định chuyển đổi số là cơ hội để thay đổi tổng thể cách sống, cách làm việc và phương thức hoạt động nhằm mang lại những tiện ích cho người dân nhờ công nghệ, ngay khi được chọn triển khai thí điểm, Đảng ủy, UBND thị trấn đã lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, thị trấn sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin dùng chung, các yếu tố nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức về chính quyền điện tử, bảo đảm làm việc chuyên nghiệp trên môi trường mạng. Đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý văn bản, hòm thư điện tử công vụ, chữ ký số; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân, nhất là các hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu du lịch và quản lý khách lưu trú. Cùng với đó, phát triển một số ứng dụng, dịch vụ số để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết những vấn đề bức thiết trên địa bàn và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn an ninh mạng.
Bộ phận một cửa thị trấn Tam Đảo đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính
Theo ông Dũng, thị trấn Tam Đảo có nhiều thuận lợi khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số, do hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, từ giữa tháng 1/2014, thị trấn được phủ sóng wifi miễn phí phục vụ người dân, khách du lịch với tốc độ tối thiểu dùng cho 1 thuê bao kết nối là 60Kb/s và tổng số du khách phục vụ tại 1 thời điểm của mạng là trên 50.000 người truy cập. Du khách có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin, tiện ích mọi lúc, mọi nơi với thời gian truy cập không giới hạn và các dịch vụ như: bản đồ, tìm đường, thông tin về nhà hàng, khách sạn, địa điểm du lịch, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội…Cùng với đó, 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số; cán bộ, công chức thị trấn cũng thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản trong hệ thống chuyển nhận văn bản.
Với xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tâm thế cho chuyển đổi số đã sẵn sàng. Bà Nguyễn Thị Đăng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Lãng Công có 10 thôn, 2 dân tộc cùng sinh sống là Kinh và Dao, với gần 1.400 hộ, trên 8.200 nhân khẩu. Trong những năm qua, nhờ khai thác tốt thế mạnh là kinh tế đồi rừng, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại dọc tuyến tỉnh lộ 307B đi qua nên đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Hiện 100% thôn, xóm có internet; trên 70% người dân có điện thoại thông minh; 100% cán bộ, công chức có máy tính phục vụ công việc, xử lý tốt việc nhận/gửi văn bản qua phầm mềm quản lý văn bản, thư điện tử công vụ.
Theo bà Đăng, bên cạnh những thuận lợi, địa phương sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số do hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa được đầu tư đồng bộ; trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Nhiều người dân chưa biết cách ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ….
Để xây dựng thành công mô hình “xã thông minh”, khắc phục những bất cập trên, thời gian tới, Lãng Công sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là lực lượng thanh niên, phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số; thực hiện tư vấn khám sức khỏe từ xa thông qua các ứng dụng của nhà mạng. Đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, góp phần hình thành thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện mô hình truyền thanh thông minh, sử dụng ứng dụng AI để phát bản tin truyền thanh thay cho việc đọc trực tiếp; khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cũng quyết tâm triển khai thí điểm chuyển đổi số thành công, ông Lê Kim Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang cho biết: Những năm gần đây, việc quản lý, điều hành, triển khai các công việc của cấp ủy, chính quyền đến người dân rất thuận lợi nhờ hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phát triển. Hiện 100% cán bộ thị trấn biết sử dụng và có máy tính cá nhân để xử lý công việc. Hầu hết các văn bản điều hành của thị trấn được ban hành trên môi trường mạng; các chức danh cán bộ chủ chốt đều thực hiện chữ ký số. Đặc biệt, các văn bản chỉ đạo, công việc đột xuất, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai, lãnh đạo thị trấn chỉ cần gửi qua hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản hoặc nhắn qua các nhóm Zalo là các tổ trưởng tổ dân phố nắm được, triển khai ngay đến người dân.
Theo ông Thành, Thổ Tang là địa phương có hoạt động thương mại, dịch vụ năng động bậc nhất cả nước nên từ lâu người dân ở đây đã khai thác, sử dụng mạng internet để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thực hiện các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa. Thời gian tới, thị trấn Thổ Tang sẽ phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hạ tầng số, phủ sóng mạng 4G, 5G, nâng cấp đường truyền internet tốc độ cao; triển khai giải pháp tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tự động, hướng tới sàn giao dịch nông sản, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử... “Được chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số, người dân Thổ Tang rất ủng hộ và phấn khởi, bởi họ tin những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại sẽ giúp việc kinh doanh, buôn bán ngày phát triển hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.”- ông Thành nói.
Còn với xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương thì cả chính quyền và người dân đều tin rằng việc triển khai thí điểm chuyển đổi số sẽ từng bước tạo nên mô hình xã thông minh. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là chăn nuôi gia súc, gia cầm, dứa, rau an toàn theo chuẩn VietGap sẽ sớm được đưa lên các sàn thương mại điện tử nông nghiệp. Đặc biệt, với nền tảng công nghệ số, các hộ gia đình, nhất là các hộ trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán các sản phẩm nông nghiệp và khi đó, 3 trụ cột của chuyển đổi số ngành nông nghiệp là bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số ở Hướng Đạo sẽ ngày càng phát triển và được nhân rộng./.