Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan liên quan thực hiện nghi thức công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. (Ảnh: Quang Vinh)
Ngày 25/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.
Tới dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng tham dự có đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, thành phố Hà Nội và đại diện các tác giả là tập thể, cá nhân có công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo 2021.
Bày tỏ vui mừng đến dự Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao về cách thức tổ chức tuyển chọn các công trình, sản phẩm sáng tạo một cách bài bản, chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan và đạt kết quả rất tốt đẹp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn rất quan tâm đến việc phát triển các tài năng sáng tạo và các phong trào thi đua sáng tạo, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam tiếp tục là giải pháp kịp thời động viên, khuyến khích và tôn vinh các nhà khoa học, nhà sáng chế, đồng thời giới thiệu nhân dân cả nước biết đến những thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu. Qua đó, cổ vũ, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy trí tuệ của người Việt Nam, thi đua sáng tạo, đam mê khoa học để góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, năm 2021, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam công bố và giới thiệu 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ được tuyển chọn từ 151 công trình do các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên, các tỉnh, thành phố giới thiệu, đề xuất.
Đáng chú ý, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 là lần đầu tiên vinh danh 6 công trình sáng tạo khoa học tiêu biểu thuộc lĩnh vực xã hội-nhân văn, có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Đỗ Văn Chiến khẳng định, những công trình, giải pháp sáng tạo khoa học-công nghệ công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 là những công trình tiêu biểu, có giá trị ứng dụng trong hoạt động thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
“Đặc biệt, có những sáng tạo khởi nguồn từ những người trực tiếp lao động sản xuất nhằm thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường”, ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng bày tỏ tin tưởng, hoạt động công bố Sách vàng Sáng tạo hằng năm sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tiến quân vào khoa học, công nghệ; nhằm nâng cao năng suất lao động; góp phần tạo ra các sản phẩm quốc gia tiếp cận được với thị trường khu vực và thế giới.
“Chắc chắn đội ngũ tri thức và các nhà khoa học của nước nhà sẽ đóng góp xứng đáng công sức, trí tuệ cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc”, ông Chiến bày tỏ.
Vinh danh đại diện các nhóm tác giả có công trình, giải pháp tiêu biểu. (Ảnh: Quang Vinh)
Theo Ban Tổ chức, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã nhận được 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học-công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị; trong đó có 55 công trình, giải pháp khoa học-công nghệ do 11 bộ, ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu và có 96 công trình, giải pháp khoa học, công nghệ do 36 tỉnh, thành phố giới thiệu.
Từ 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học-công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã lựa chọn ra 76 công trình, giải pháp tiêu biểu vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.
76 công trình, giải pháp được chia theo các lĩnh vực, gồm: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông: 15 công trình; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và chế biến, sản xuất trong nông nghiệp: 14 công trình; sinh học phục vụ sản xuất, đời sống: 13 công trình; cơ khí tự động hóa: 9 công trình; giáo dục-đào tạo: 8 công trình; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên: 7 công trình; y tế: 7 công trình; công nghệ vật liệu: 3 công trình.
Qua 5 năm triển khai, từ năm 2016 đến 2020, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn, công bố 365/772 công trình, giải pháp khoa học-công nghệ gửi về Ban Chỉ đạo để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.
Theo đó, năm 2016 là 71 công trình; năm 2017 là 72 công trình; năm 2018 là 73 công trình; năm 2019 là 74 công trình; 2020 là 75 công trình và vinh danh 5 công trình phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Số công trình được tuyển chọn, công bố hằng năm bằng với số năm kỷ niệm Quốc khánh và Lễ công bố hằng năm là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9).
Khơi mạch nguồn sáng tạo của người Việt Nam
Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cũng cho rằng, việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam không chỉ mang lại ý nghĩa thực tiễn cao, đây còn là nguồn tư liệu sinh động, tiếp tục khơi dậy và truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội.
Ông Châu cho biết, tác giả của các công trình này là những tập thể, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc, có người là giáo sư, tiến sĩ, có người là chủ doanh nghiệp, có người là những công nhân, nông dân và cả những học sinh, sinh viên. Qua đó cho thấy khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học luôn có ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội.
Với việc triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, các công trình được ghi nhận và vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như: cơ khí tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh…
“Những công trình, giải pháp được lựa chọn chính là sự khẳng định năng lực sáng tạo mạnh mẽ của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Châu nhấn mạnh.
Kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đề tài, công trình khoa học
Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, ông Châu cho rằng cần có “đòn bảy chính sách” để thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, coi đây là một ưu tiên mang tính chiến lược của quốc gia lan tỏa thấm nhuần đến truyền thống hiếu học của mỗi người Việt Nam.
Theo ông Châu, trong thời gian tới nhà nước cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nghiên cứu các chính sách đột phá về khoa học công nghệ, cùng với đó không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tập trung sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Nhưng làm gì cũng vậy, điều cần quan tâm chính là đầu tư cho con người, vì con người là trung tâm của đổi mới. Bên cạnh một chiến lược dùng người để bồi dưỡng vun đắp nhân tài thì cần những chính sách để mời gọi người tài”, ông Châu lưu ý.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, ông Châu cho biết các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của khoa học-công nghệ, nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần phối hợp với ngành khoa học và công nghệ, các tổ chức thành viên tiến hành giám sát việc triển khai, ứng dụng các công trình, đề tài khoa học đã được nghiên cứu ở các cấp. Kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các đề tài, công trình khoa học này được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.