Những sản phẩm, giải pháp công nghệ của mùa giải Viet Solutions 2021 nên là lời giải cho những bài toán lớn hơn của đất nước: Làm sao để chuyển đổi số cho cả 5 triệu hộ kinh doanh, làm sao để 9 triệu hộ nông dân này sớm thoát nghèo bằng công nghệ. Thứ trường Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ kỳ vọng vào Cuộc thi Viet Solutions 2021.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chỉ ra 3 khác biệt lớn nhất của Cuộc thi Viet Solutions 2021. Đầu tiên chính là thời điểm cuộc thi. Cuộc thi năm nay diễn ra khi Việt Nam đang ở trên đỉnh dịch, ghi nhận số ca nhiễm lớn nhất từ trước đến nay.
Khác biệt thứ hai chính là cách đặt ra các bài toán. Năm ngoái, ban tổ chức chỉ đặt ra định hướng. Song đến năm nay, cuộc thi lại đặt ra những bài toán tương đối cụ thể trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia, đó là: Y tế; Giáo dục; Tài chính – Ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải – Logistics; Năng lượng; Tài nguyên – Môi trường; Sản xuất công nghiệp, Giải pháp giải trí – tiện ích và Quản lý Doanh nghiệp.
Khác biệt cuối cùng chính là điều lệ cuộc thi. Ở mùa giải trước, Viet Solutions chỉ chấp nhận giải pháp hoàn chỉnh, đã ứng dụng nhất định trong thực tế thì năm nay, cuộc thi còn tìm kiếm cả những ý tưởng mới.
“Lý do có những sự khác biệt này là bởi, trên thực tế, có rất nhiều bài toán chỉ cần có một ý tưởng đúng là sẽ có lời giải đúng”, ông Dũng nhấn mạnh. “Giống như việc khi đặt ra câu hỏi đúng, chắc chắn sẽ có câu trả lời. Việc đi tìm kiếm giải pháp, đi tìm kiếm ý tưởng giống như đi tìm ra những câu hỏi đúng. Không bao giờ có câu trả lời cho những câu hỏi sai. Nhưng cứ khi có câu hỏi đúng thì khó thế nào cũng có một người trả lời được nó”.
Cách đưa ra các bài toán, tìm ra “nỗi đau” của xã hội
Bên cạnh đó, việc phát triển các giải pháp số thường cần một thời gian rất dài. Nhưng để có một ý tưởng trong một thời gian ngắn thì luôn luôn khả thi. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, điều quan trọng chính là việc các doanh nghiệp tận dụng sự thay đổi thói quen người dùng. Bởi Covid-19 là đại dịch mà trăm năm mới có một lần. Do vậy, tác động của dịch bệnh đến con người là rất lớn.
Thứ trưởng Dũng lưu ý, Covid-19 tác động lên xã hội, làm thay đổi hành vi của mọi người. Trong quá khứ, mọi người có thể làm việc tập trung, nhưng giờ đây tất cả đều phải chuyển sang làm việc từ xa, phải phân tán. “Bởi thế, chúng ta phải tìm cách biến thiệt hại, biến đau thương thành cơ hội”. Một trong những cách giải quyết chính là áp dụng công nghệ. “Chúng ta phải tận dụng thời cơ này, tận dụng sự thay đổi thói quen của người dùng để thúc đẩy công nghệ số và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Dũng cho hay.
Trong cuộc thi năm nay, Ban tổ chức cũng đưa ra các bài toán tương đối cụ thể trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt biệt là những doanh nghiệp công nghệ số mang tính đổi mới sáng tạo là nhân tố rất quan trọng để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Nhưng trong quá trình này, việc tìm được thị trường để các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển lại là điều khó khăn nhất.
Chỉ khi có thị trường thì mới có công nghệ, mới có doanh nghiệp, từ đó mới tạo ra các sản phẩm tốt. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông muốn tìm cách đưa ra các bài toán, tìm ra các “nỗi đau” của xã hội, tìm ra những thách thức hiện nay để từ đó định hướng, dẫn dắt và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp cùng giải quyết bài toán đấy.
Câu chuyện về “chấp nhận” và nghĩ lớn
Chuyển đổi số là câu chuyện về chấp nhận cái mới. “Thế nên, chỉ khi chúng ta dám chấp nhận cái mới, chúng ta mới chuyển đổi số được. Ví dụ như chấp nhận cho học sinh học trực tuyến, đấy là một sự chấp nhận mới. Chấp nhận cho người bệnh được khám chữa bệnh trực tuyến, đấy là cái mới”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.
Do vậy, công cuộc chuyển đổi số quốc gia chỉ thành công khi có nhiều người tham gia. Khi càng nhiều người tham gia thì giá trị tạo ra càng lớn và chi phí càng rẻ. Nói cách khác, chuyển đổi số chỉ thành công nếu nó thu hút được sự tham gia của toàn dân.
Để thu hút được sự tham gia của toàn dân, công nghệ số bắt buộc phải dễ sử dụng: ai cũng có thể dùng được, ai cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể tiếp cận được. Vì vậy, nền tảng số là lời giải để làm cho công nghệ số trở nên dễ dàng và có thể tiếp cận được đến với mọi người một cách nhanh nhất. “Đó là lý do chúng tôi coi nền tảng số là giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh
Hiện nay, trên thị trường có vô số nền tảng số nước ngoài, vốn đã phát triển rất mạnh với công nghệ cao. Nhưng lý do chúng ta cần thúc đẩy phát triển những nền tảng số trong nước là bởi người Việt Nam cũng có những nhu cầu mà chỉ riêng người Việt Nam mới có, không giống với người dân các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ… Hơn nữa, chỉ khi có nền tảng số “Make in Vietnam” thì người Việt Nam mới làm chủ được thị trường, giải quyết các nhu cầu nhanh, theo ý mình.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ của cuộc thi năm nay nên là lời giải cho những bài toán lớn hơn. Điển hình như làm sao để chuyển đổi số cho cả 5 triệu hộ kinh doanh, làm sao để 9 triệu hộ nông dân này sớm thoát nghèo bằng công nghệ. “Tôi hy vọng rằng các đội thi sẽ suy nghĩ với bài toán ở tầm lớn hơn và có mức độ làm chủ công nghệ sâu hơn, để từ đấy ra được những giải pháp thực sự đột phá và trở thành niềm tự hào của giới công nghệ Việt Nam”, Thứ trưởng kỳ vọng.
Ngày 10/6/2021, Bộ TT&TT phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố mùa giải thứ 3 – Viet Solutions 2021. Đây là cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia.
Với thông điệp “Cộng hưởng để kiến tạo xã hội số”, đối tượng hướng đến của Viet Solutions 2021 là các cá nhân, tổ chức đang sinh sống, học tập và làm việc ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Các ý tưởng, sản phẩm công nghệ tập trung vào 10 lĩnh vực là Y tế; Giáo dục; Tài chính – Ngân hàng; Nông nghiệp; Giao thông vận tải – Logistics; Năng lượng; Tài nguyên – Môi trường; Sản xuất công nghiệp, Giải pháp giải trí – tiện ích và Quản lý Doanh nghiệp.