ảnh minh họa
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
“Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”
Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không truyền nhiễm (NCD) như ung thư, tim mạch. Ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca.
Đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng của WHO năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn người không hút thuốc.
"Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm", thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.
Năm nay, WHO lựa chọn chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”. Qua chủ đề này, tổ chức này kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng. Đồng thời, đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo, kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.
Tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng còn cao
So với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn đang gặp phải khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.
Những năm gần đây, thị trường xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng Internet.
Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
"Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại", GS Thuấn cho hay.
Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.
Bên cạnh đó, thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn và làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá.