Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (2/7), phóng viên đặt câu hỏi: Vừa qua một số thông tin liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, cụ thể là cuộc tập trận phía bắc quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1-5/7, Việt Nam đã nắm thông tin này chưa và có phản ứng như thế nào?
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng
Người phát ngôn, Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Theo bà Hằng, việc này đã gây phức tạp tình hình không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
"Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai", người phát ngôn nói.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, vừa qua có thông tin tàu thăm dò Hải Dương 4 của Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn có xác nhận thông tin và phản ứng của Việt Nam về vấn đề này?
"Chúng tôi cho rằng, các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 thì phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định của công ước này", bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Người phát ngôn cho biết, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển của khu vực Biển Đông và khu vực cũng như trên thế giới.
Cục an toàn hàng hải Trung Quốc ngày 27/6 ra thông báo ngang ngược cấm tàu thuyền qua lại vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 1-5/7 với lý do tập trận quân sự.
Thông báo cũng yêu cầu, tàu thuyền không vào vùng biển trên trong thời gian diễn ra tập trận.
Trung Quốc thời gian gần đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp tại Biển Đông.
Không lâu sau khi điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” trước khi tự ý đặt tên cho 80 thực thể tại Biển Đông.