Theo bài viết, cách đây 15 năm, sẽ rất khó để tìm được một công ty hoạt động trên lĩnh vực CNTT tại Việt Nam, nhưng hiện nay đã có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT sản xuất và phát triển phần cứng, phần mềm và kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam hiện coi ngành công nghệ cao như là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam đã đầu tư nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thông qua các chính sách kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, thường được biết đến là một địa điểm du lịch nổi tiếng với các khu nghỉ mát ven biển và Cầu Rồng phun lửa, hơn là lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, sau khi được chính phủ đầu tư xây dựng sân bay và hệ thống đường cao tốc, cơ sở hạ tầng của thành phố hiện có thể đáp ứng tốt cho sự tăng trưởng kinh tế quy mô lớn. Năm 2012, IBM đã mở văn phòng tại Đà Nẵng. Cũng trong năm 2012, Đà Nẵng đã được IBM công nhận là một trong 33 thành phố năng động nhất trên thế giới và được công ty này trao tặng 50 triệu USD theo chương hỗ trợ cải tạo cơ sở hạ tầng trong thời gian ba năm.
Khu công nghệ cao tại Đà Nẵng, một trong số các khu công nghệ cao được hình thành theo dự án CNTT năm 2020 của Việt Nam, đã và đang đáp ứng tốt các nhu cầu ngày càng gia tăng về cơ sở hạ tầng cho các nhà máy sản xuất phần cứng, các công ty sản xuất phần mềm và CNTT quốc tế… Điều này đang tạo cho thành phố miền Trung Việt Nam này một sức mạnh có thể trở thành trung tâm của sự bùng nổ công nghệ cao. Việt Nam ngày nay với dân số hơn 90 triệu và độ tuổi trung bình 30,3, trong đó số lượng lập trình viên, kỹ sư, doanh nhân trẻ, sinh viên ngày càng gia tăng, sẽ là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ của đất nước.
Hệ thống các trường đại học của Việt Nam được xây dựng tại nhiều thành phố. Từ thủ đô Hà Nội đến Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm có tới hàng trăm sinh viên CNTT tốt nghiệp ra trường. Nhiều kỹ sư trẻ mới ra trường đã được tuyển dụng ngay vào các công ty lớn như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony và Toshiba.
Tháng 10 năm nay, Hội nghị CNTT Việt Nam sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham dự của hơn 150 công ty công nghệ đa quốc gia, cùng hơn 200 công ty IT Việt Nam và 20 trường đại học. Hội nghị sẽ được nghe các bài phát biểu của các diễn giả đến từ các công ty Gartner, KPMG, HP, LogiGear, Microsoft, Samsung. Đây là cơ hội để ngành CNTT của Việt Nam thể hiện mình với thế giới và mọi người sẽ được chứng kiến sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.