Việt Nam rất cần vắc xin, nhưng thứ cần hơn là "QUỸ VẮC XIN TỬ TẾ"

Chủ nhật, 30/05/2021 12:44

Nguyệt- một người hàng xóm của tôi cho biết, cô sẽ từ chối tiêm miễn phí để nhường suất đó cho những người nghèo khổ ngoài kia.

Cơ hội tuyệt vời cho mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân

Quyết định 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid 19 là một quyết định mà tôi mong đợi từ trước cả khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Không chỉ vì khoản tiền hơn 25 ngàn tỷ đồng dự toán mua vắc xin để tiêm đủ cho khoảng 75 triệu người dân Việt Nam mà còn là một điều tuyệt vời khác mà tôi mong được thấy: Tinh thần Việt Nam. Tinh thần mà chúng ta đã chứng kiến trong suốt gần 2 năm qua kể từ khi xuất hiện Covid 19.

Từ hồi tháng 10, khi Nga công bố vắc xin đầu tiên của họ chính thức ra mắt, tôi đã nghĩ về viễn cảnh Covid sẽ sớm kết thúc. Lại thêm việc Việt Nam cũng lần lượt công bố dự án tự sản xuất vắc xin càng khiến tôi không khỏi hân hoan.

Nhưng cảnh báo của WHO đã khiến mơ mộng ấy của tôi tắt lịm, đó là việc vắc xin đang chỉ dành cho những quốc gia giàu có. Những quốc gia nghèo có thể có vắc xin sau khi… hết dịch như đã từng xảy ra với đại dịch SARS trước đây.

Tôi nghĩ về những người nghèo đang vật lộn mưu sinh đến tiền ăn còn không có thì lấy đâu ra tiền để tiêm vắc xin? Với giá mỗi liều rơi vào khoảng 300 ngàn, để có tiền tiêm đủ 2 liều, hẳn là rất khó khăn với họ. Chính phủ vừa phải chi ra 62 ngàn tỷ, liệu ngân sách có đủ để tiếp thêm 25 ngàn tỷ nữa không?

Nếu là cuộc chiến giật gấu vá vai thì những người khá giả như tôi có an toàn không khi bước ra đường vẫn còn những người nghèo chưa đến lượt tiêm vắc xin? Bao nhiêu người sẽ bị bỏ lại phía sau khi mà vắc xin thêm lần nữa vạch sâu hơn ranh giới giàu nghèo?

Quỹ vắc xin phòng Covid 19 được ký quyết định thành lập chính là cách mà chúng ta tấn công thay vì phòng ngự như thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi.

Tôi mong đợi việc có một Quỹ vắc xin phòng Covid 19 để chính các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tốt hơn việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp của mình trong tâm trí khách hàng.

Trước đây chúng ta chỉ đo trách nhiệm ấy bằng những khoản tiền họ đã nộp thuế hay những chuyến đi từ thiện, chương trình từ thiện mà họ đã làm. Đôi khi, mạng xã hội lại dậy sóng với những doanh nghiệp báo lỗ để giảm thuế hay những chương trình từ thiện để đánh bóng tên tuổi, quảng cáo.

Việc ra đời quỹ vắc xin phòng Covid 19 là cơ hội để các doanh nghiệp thể hiện được nhiều hơn hai chữ Trách Nhiệm.

Đầu tiên, là thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp với chính cán bộ công nhân viên của họ. Góp quỹ để có vắc xin tiêm cho chính người lao động của mình. Sau là cho mỗi khách hàng đã và đang sử dụng sản phẩm của họ, dịch vụ của họ.

Các công ty bất động sản có thể đóng góp để mua vắc xin cho cư dân- những người đã bỏ tiền mua nhà.

Nếu dư dả hơn nữa, số tiền đó còn có thể coi như sự tri ân mà doanh nghiệp gửi gắm đến xã hội, những người có thể trở thành khách hàng của họ trong tương lai, những người yếu thế trong xã hội. Chỉ khi doanh nghiệp có Tâm thì doanh nghiệp ấy mới có thể nói đến việc có Tầm.

Tôi mong đợi việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid 19 để được thấy chính mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách truyền thống của dân tộc ta.

Theo đó, thay vì nhận 2 liều vắc xin miễn phí, những người dân đủ kinh tế sẽ tặng lại nó cho những người kém may mắn hơn mình bằng việc trả tiền để mua 2 liều vắc xin cho chính bản thân mình.

Bao nhiêu người còn nghèo hơn chúng ta đang cần được 2 mũi tiêm miễn phí đó. Rồi con cái họ, cha mẹ họ, những người đang phải sống bám vào họ nữa.

Nên nếu dư dả hơn, chúng ta hoàn toàn có thể dành dụm thêm 2 liều nữa, 4 liều nữa, 6 liều nữa, 10 liều nữa tuỳ vào kinh tế của bản thân mình để thêm nhiều người nghèo có thể tiếp cận vắc xin. Đó chẳng phải là việc từ thiện ý nghĩa mà chúng ta hằng theo đuổi đó sao?

Thay vì chúng ta ủng hộ cho những địa chỉ mơ hồ, tại sao không chuyển nó thành tiền đóng góp trước vào quỹ vắc xin phòng Covid 19 của chính phủ. Đừng nói về việc tạm ứng niềm tin nữa được không? Bởi từ thiện thực sự không nhăm nhắm đến việc tích phúc. Lại càng không phải là để chứng tỏ bạn là người tử tế hơn những ai không làm từ thiện.

Sự thật rầu rĩ và tinh thần Việt Nam

Xin hãy hiểu ý nghĩa của từ thiện như bản chất nguyên thuỷ của nó. Và việc nhường cơm sẻ áo này, nhường lại cơ hội tiêm vắc xin miễn phí này chính là làm việc thiện từ tâm vậy.

Tôi mong đợi một quỹ chính danh cho chính bản thân mình, những người bạn của tôi. Trong suốt những đợt dịch đã qua và ngay cả trong đợt dịch thứ tư này, nhiều người bạn của tôi vẫn nhắn tin "nhờ nhà báo hiểu biết thẩm định giùm quỹ này có nên ủng hộ không?".

Đó là một sự thật rầu rĩ. Khi mà đã có quá nhiều lừa đảo, thiếu minh bạch mà báo chí đã từng bêu gương. Ngay cả với những lời kêu gọi tự phát đang tràn ngập trên mạng xã hội cũng chẳng ai biết đâu là thật đâu là giả, đâu là cần kíp đâu là "nước chảy chỗ trũng".

Nhiều người bạn tôi chẳng phải đại gia, số tiền ít ỏi của họ bỏ ra vốn đều là vất vả mà có được. Việc họ muốn ủng hộ là từ tâm nhưng việc quá nhiều lời kêu gọi khiến họ bối rối.

Tôi đã thử làm một cuộc khảo sát nhỏ trong group cư dân của mình. Đến 95% cư dân đều đồng thuận việc sẵn sàng chi tiền để được tiêm vắc xin thay vì chờ đến lượt tiêm miễn phí.

Nguyệt- một người hàng xóm của tôi cho biết, cô sẽ từ chối tiêm miễn phí để nhường suất đó cho những người ngoài kia. Thậm chí, cô có thể không cần mua thêm chiếc túi hàng hiệu nữa nếu như chiếc túi đó có thể giúp ít nhất 40 người được tiêm vắc xin.

Nhiều cư dân khác cũng đã đồng tình với Nguyệt và ai cũng thấy rằng nếu có một quỹ như vậy, họ sẽ thấy việc mình làm ý nghĩa hơn, cụ thể hơn, trúng đích hơn. Ủng hộ 20 triệu đồng hẳn sẽ không dễ thương bằng mình vừa giúp 40 người được tiêm vắc xin dù giá trị quy đổi bằng nhau.

Tất nhiên, là bởi cư dân nơi tôi sống đều là những người khá giả. Nhưng tôi tin ngoài kia, nhiều triệu người dân tiền tỷ có thể không có nhưng tiền để tự mua vắc xin thì họ sẽ sẵn lòng nếu như họ biết rằng 2 liều vắc xin miễn phí của họ cần cho những người nghèo hơn. Tinh thần lá lành đùm lá rách của dân ta chưa bao giờ phai nguội.

Và điều mà tôi trông thấy ngay ra ở đây đó là một lần nữa chúng ta sẽ chiến thắng giặc Covid bằng tinh thần Việt Nam. Điều đó giá trị hơn gấp nhiều lần những rao giảng về lòng yêu nước. Cơ hội để chúng ta dạy con cái mình về tự hào Việt Nam là đây chứ là đâu?

Tôi mong đợi việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid 19 để được thấy một điều tốt lành khác nữa. Đó là việc thực thi tinh thần tiết kiệm theo gương Bác Hồ một cách thiết thực nhất.

Nếu các cơ quan hành chính, các đơn vị đang sống bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp mà cắt giảm ngân sách chi cho những lễ kỷ niệm thành lập phường, quận, tỉnh thành hay tiền chi cho tượng đài bất hợp lý, để dùng những khoản chi đó đóng góp lại cho quỹ, thì giá trị của quỹ vắc xin này còn mang thêm nhiều ý nghĩa chính trị lớn lao.

Đó sẽ là lòng tin của người dân vào chính quyền. Nhất là khi biết bao tiểu thương, người lao động đang chật vật chiến đấu với Covid, hẳn họ sẽ vững tâm hơn khi cùng nhau vượt qua khó khăn đại dịch này.

Và với tinh thần đó, gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ hẳn sẽ đón nhận những tự nguyện của người dân, tiểu thương, doanh nghiệp sẵn lòng từ chối nhận để nhường cơm sẻ áo cho người kém may mắn hơn mình.

Ý nghĩa của việc có một Quỹ vắc xin phòng Covid 19 vì thế mà sẽ giá trị hơn chứ không còn chỉ mang nhiệm vụ gom cho đủ 25 nghìn tỷ ban đầu.

Bức Tường Việt Nam trên không gian mạng

Ông Vũ Thành Hưng, vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài Chính) trả lời trên báo chí rằng: "Khi thành lập quỹ, chúng tôi sẽ thành lập cơ chế quản lý quỹ và xác định tài khoản của Quỹ.

Theo đó, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng vào tài khoản của quỹ mở tại các ngân hàng thương mại lớn.

Chúng tôi có trách nhiệm công khai việc đóng góp của các tổ chức cá nhân, có thể trên website của Kho bạc nhà nước và các website của Bộ Tài chính. Như vậy, sẽ hoàn toàn đảm bảo công khai, minh bạch".

Công khai- Minh bạch là giá trị cốt lõi tạo ra uy tín của mỗi quỹ quyên góp. Tôi mong đợi điều này nhất là khi mấy ngày qua mạng xã hội nổi sóng về việc tạm ứng niềm tin từ chính những tấm lòng thiện nguyện của mỗi người.

Những tranh cãi trên mạng xã hội tưởng chừng như chỉ là câu chuyện xoay quanh một nghệ sỹ chậm trễ, thiếu công khai, minh bạch với khoản tiền từ thiện mà mọi người đóng góp. Nhưng nó huỷ hoại lòng tin của rất nhiều người về việc làm từ thiện. Nó khiến nhiều người trở nên cân nhắc nhiều hơn khi làm điều tử tế. Đó mới là thứ đáng sợ.

Chưa kể báo chí chạy theo câu chuyện này với tâm thế phục vụ sự hiếu kỳ vào các màn bóc phốt càng khiến cho nhiều độc giả nghi ngờ vào bất cứ quỹ từ thiện nào khác.

Thì đây, quỹ vắc xin tử tế phòng Covid-19 chính là cơ hội để chúng ta lấy lại lòng tin, lan toả đi tinh thần một người vì mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ở thời đại 4.0 này, Công Khai và Minh Bạch trở nên vô cùng dễ dàng. Tôi nghĩ về Bức Tường Việt Nam trên không gian số. Nơi mà chỉ một click chuột thôi cũng có thể thấy dòng tiền mình đóng góp đã nhận được chưa, đang ở đâu và được sử dụng thế nào. Người dân cần được biết và có quyền được biết dù họ đã đóng góp hay chưa. Chúng ta không ai phải tạm ứng niềm tin nữa.

Tôi mong được thấy Bức Tường Việt Nam trên không gian mạng, nơi mà một đứa trẻ góp số tiền tiết kiệm của mình để mua tặng hai liều vắc xin cũng tự hào khi thấy tên mình trên đó.

Và dù có đóng góp ẩn danh thì trên Bức Tường Việt Nam ấy cũng sẽ mọc lên một đoá hoa rực rỡ. Ở đó, quỹ vắc xin phòng Covid 19 sẽ không chỉ là phòng Covid 19 nữa mà còn là quỹ vắc xin của lòng Tử Tế.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top