Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

Thứ ba, 01/11/2016 11:56

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Biển Đông - vị trí trọng yếu của nhiều quốc gia

Chia sẻ tại hội nghị "Tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa” do Bộ TT&TT tổ chức tại Kiên Giang ngày 31/10, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết: Biển Đông là 1 trong 6 biển lớn trên thế giới, có các tên gọi khác nhau: Biển Nam Trung Hoa (tên quốc tế tiếng Anh do Tổ chức Thủy đạc Quốc tế gọi), Nam Hải (người Trung Quốc gọi), Biển Tây Philipines (người Philipines gọi)...
 
20161101-l2.jpg
 PGS.TS.Nguyễn Chu Hồi đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam tại hội nghị
 
Nhìn toàn cục, Biển Đông là một biển nửa kín với diện tích khoảng 3,5 triệu km2, có hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, được bao quanh bởi 9 quốc gia (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Malaysia, Brunei Darusalam, Indonesia, Thái Lan, Singapore) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan).
 
Biển Đông không chỉ chiếm vị trí địa lý thuận lợi, mà còn có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất trọng yếu trên bình đồ thế giới và khu vực. Biển này là chỗ dựa sinh kế trực tiếp của khoảng 300 triệu cư dân. Nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á và Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào các tuyến đường biển cắt ngang qua vùng biển này. Đã từ lâu, vùng biển này là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển không chỉ của các nước quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới. 
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong số 10 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Biển Đông nêu trên thì 9 nước có yêu sách đòi hỏi về chủ quyền biển đảo, tạo nên tranh chấp đa phương và song phương, chứa đựng các mâu thuẫn cả về đối ngoại, kinh tế, quốc phòng và an ninh, với các dạng tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán (tranh chấp về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); tranh chấp về tài nguyên biển; tranh chấp đảo và bãi đá ngầm; và tranh chấp vùng trời trên biển (vùng thông báo bay-FIR).
 
Đứng trước vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đã giúp các cán bộ thông tin cơ sở hiểu rõ thêm về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển trong phạm vi Biển Đông đã được hai người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc ký từ hồi tháng 10/2011. Trong đó, đáng chú ý là những nguyên tắc: Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"; Tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán; Giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác; Tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên; Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau; Thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển...
 
20161101-l1.jpg
 GS.TS.Nguyễn Bá Diến nhấn mạnh về giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế
 
Theo GS.TS Nguyễn Bá Diến, Biển Đông là không gian phát triển và sinh tồn của đất nước, dân tộc ta, đặc biệt là chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Xác định rõ vị trí và tầm quan trọng của biển, đảo, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng và Chính phủ Việt Nam tiếp tục chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
 
Cụ thể hóa Nghị quyết đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển
 
Việt Nam là một quốc gia biển, với tỉ lệ một phần đất hơn ba phần biển. Theo Công ước quốc tế về Luật Biển, nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Biển đảo, thềm lục địa có vị trí chiến lược to lớn đối với quốc phòng an ninh và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Hiện Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia biển, các quốc đảo và lãnh thổ trên thế giới.
 
Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh thành phố có biển và gần một nửa dân số nước ta sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Vùng biển nước ta có trên 3.000 đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm trên con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Biển Việt Nam có tính đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế biển, đảo. Vì thế, vươn ra biển, làm giàu từ biển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn hiện nay...
 
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 09-NQ/TW là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển. Nghị quyết cũng đã xác định sát đúng và cụ thể về phát triển kinh tế biển đến năm 2020 trên lĩnh vực kinh tế - xã hội; chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển khoa học - công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển.
 
20161101-l3.jpg
 Toàn cảnh hội nghị tập huấn
 
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi đặc biệt nhấn mạnh tới hệ thống gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó chỉ 66 đảo có người sinh sống, còn lại là các đảo hoang sơ, hoang dã – đối tượng của kinh tế đảo, mà đến nay chưa được sử dụng tương ứng. Mỗi hòn đảo quý giá như một “viên ngọc xanh” trên nền biển bạc, một “cột mốc chủ quyền” tự nhiên trên vùng biển của Tổ quốc, và cũng là một “chiến hạm” không thể đánh chìm. Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh các đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển.
 
Theo phân tích của chuyên gia về biển, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, trên đảo có các làng cá, di tích văn hoá và lịch sử thuần Việt phản ánh “văn hoá làng chài” và “văn minh biển cả”… hay còn gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả”, góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa của nó. Trong đó, nhiều đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế đảo lớn với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại. Đặc biệt, trong vùng quần đảo san hô Trường Sa có khoảng gần 1.000.000 ha đầm phá nông (độ sâu 1-6m) thuộc các rạn san hô vòng (atoll) có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản.
 
Bởi vậy, cần xác định chức năng theo thế mạnh của từng đảo hoặc cụm đảo và tiến hành quy hoạch, lập kế hoạch phát triển kinh tế hải đảo thích ứng. Quy hoạch phát triển kinh tế hải đảo cần đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển, cũng như phải nhìn cả ở giác độ địa kinh tế, địa chính trị và các vấn đề xã hội, với tính liên kết với dải ven biển, thậm chí phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu.
 
Đối với các cụm đảo nhỏ, đảo hoang sơ (không có dân) thì phát triển kinh tế đảo gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái biển đảo (bao gồm du lịch lặn)... Đối với các đảo, cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn,... thì xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng xung quanh và là những cực phát triển “tiếp nối” quan trọng giữa dải ven biển và các vùng biển trong bình đồ tổ chức không gian biển (có thể gọi là chuỗi đô thị đảo), PGS.TS Nguyễn Chu Hồi khuyến nghị.
 
Mặt khác, chúng ta cần tăng cường hơn nữa khả năng quản lý, làm chủ vươn ra biển để làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển. Cần tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với an ninh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tạo điều kiện phát triển môi trường đầu tư và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn sinh sống trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển xa... nhằm cụ thể hóa Nghị quyết đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh./.
Ngô Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top