Trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 2 đơn vị đã xây dựng được những thông tư đáng chú ý như quy hoạch xây dựng băng tần, từ đó thử nghiệm mạng 5G để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới về triển khai công nghệ 5G hay chủ trương xã hội hóa trong công tác kiểm định BTS, cắt giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN)…
"Hai đơn vị cũng đã làm tốt việc đảm bảo thông tin liên lạc cho các sự kiện quan trọng của đất nước, việc phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn", Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ thêm.
Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ đã phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy công nghệ 5G, từ khâu cấp phép, thử nghiệm kỹ thuật,… trong thời gian ngắn, để đến nay cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đều đã thử nghiệm thương mại.
"Hai Cục cũng đã hỗ trợ các DN để Việt Nam vào nhóm 4-5 nước trên thế giới có thể sản xuất được thiết bị 5G cũng như nhanh chóng tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành bộ chỉ tiêu thiết bị đầu cuối, mạng gốc 5G để các DN đáp ứng tiêu chuẩn nhà nước", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phan Tâm đã ghi nhận những kết quả của Cục Tần số VTĐ trong việc triển khai Đề án số hóa truyền hình theo đúng lộ trình hay của Cục Viễn thông trong việc thúc đẩy chương trình phát triển smartphone giá rẻ cho người dân, góp phần đẩy nhanh việc tắt sóng 2G, phối hợp Ngân hàng nhà nước về triển khai Mobile Money. "Thủ tướng cũng vừa có quyết định yêu cầu các Bộ hoàn tất sớm để trình lại Thủ tướng ký thông qua việc thử nghiệm Mobile Money trong tháng 12/2020".
Ngoài ra, cả Cục Viễn thông và Cục Tần số VTĐ đều đã xử lý những vấn đề nóng trong lĩnh vực mình phụ trách như việc xử lý SIM rác, SMS rác, cuộc gọi lừa đảo hay chia sẻ cơ sở hạ tầng dung chung, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo cảnh quan đô thị…
Cũng theo Thứ trưởng, trong năm 2021, hai Cục cần bám sát những chỉ đạo Bộ trưởng trong lĩnh vực của mình. Đặc biệt cần đổi mới tư duy trong việc chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy thúc đẩy, phát triển, chuyển từ tư duy bắt kịp sang tư duy Việt Nam phải đi cùng nhịp với thế giới trong việc triển khai những công nghệ mới nhất. Theo đó, Việt Nam có thể nằm trong nhóm từ 10-20 nước đi đầu, chuyển từ tư duy nhập khẩu sang tư duy làm chủ, chủ động cả về thiết bị viễn thông chủ chốt, phần mềm chủ chốt để đưa viễn thông Việt Nam lên thứ hạng 50 vào năm 2025.
"Việt Nam cần hiện thực hóa mục tiêu mỗi người dân có một smartphone, mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang, thúc đẩy DN phát triển hạ tầng số", Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Để làm được điều này, hai Cục cần tập trung những nhiệm vụ sau: Nghiên cứu, bổ sung 2 Luật Viễn thông và Luật Tần số trong bối cảnh chuyển đổi số, CMCN 4.0; Cơ chế chính sách để mở ra các không gian phát triển mới cho viễn thông và tần số; Chỉ đạo DN viễn thông chuyển đổi sang hạ tầng số để đảm bảo phát triển kinh tế số, xã hội số; Quan tâm phát triển hệ sinh thái để nội dung phát triển hơn nữa…
"Hai Cục cần phối hợp để tập trung xử lý việc cấp tài nguyên tần số cho các DN phát triển và nâng cao chất lượng mạng di động 4G/5G hay điều phối đảm bảo ATTT đảm bảo các sự kiện quan trọng lớn của đất nước như Đại hội 13, bầu cử quốc hội, tìm kiếm cứu nạn", Thứ trưởng cho biết./.
Cũng tại Hội nghị Thứ trưởng Phan Tâm thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT trao tặng cho Tập thể và các cá nhân các danh hiệu: Huân chương lao động Hạng 2; Chiễn sỹ thi đua cấp Bộ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TTTT