Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lần thứ 2 đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Dư luận lo ngại các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, dẫn tới nguy cơ mất an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam về những hành vi vi phạm của Trung Quốc và những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
PV: Xin Tiến sỹ phân tích rõ đâu là cơ sở pháp lý cho thấy vùng biển phía Nam Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang có hành vi vi phạm thuộc chủ quyền của Việt Nam?
TS Phạm Lan Dung: Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ, vùng biển ở phía Nam Biển Đông của Việt Nam mà nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc đã vi phạm là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Vị trí xảy ra hành vi vi phạm nằm cách bờ biển Việt Nam không quá 200 hải lý, tức là hoàn toàn ở trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào để có thể yêu sách ở vùng biển này. Bởi vị trí đó cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 500 hải lý, không nằm trong bất kỳ một phạm vi nào mà UNCLOS và luật pháp quốc tế cho phép.
Theo phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines-Trung Quốc thì các thực thể ở Trường Sa, không có thực thể nào có thể có vùng biển quá 12 hải lý. Việc Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể ở Trường Sa cũng không thể đem đến bất kể cơ sở nào để Trung Quốc có thể yêu sách vùng biển ở Nam Biển Đông mà xảy ra hành vi vi phạm. Hơn nữa, quần đảo Trường Sa không phải là một quốc gia quần đảo cho nên cũng không thể có đường cơ sở quần đảo ở đây được.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật Quốc tế Việt Nam.
Cuối cùng, việc Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với một số bãi san hồ ngầm ở Nam Biển Đông này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào, bởi theo UNCLOS, thì những bãi ngầm này nằm ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia nào thì nó sẽ thuộc quyền chủ quyền của quốc gia đó. Vì vậy, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
TS Phạm Lan Dung: Việc các nước trên thế giới lên tiếng phản đối hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của một quốc gia là một trong những biện pháp mà các nước thường hay làm, từ góc độ của chính trị quốc tế. Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào trong hoàn cảnh này đều mong muốn các nước lên tiếng bảo vệ chính nghĩa. Càng nhiều nước có tiếng nói càng mạnh để lên án hành vi vi phạm của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của Việt Nam càng tốt.PV: Thời gian qua, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều bày tỏ quan ngại trước những báo cáo về việc Trung Quốc liên tục có các hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Bà có nhận định gì về phản ứng của cộng đồng quốc tế?
Từ góc độ luật quốc tế, tiếng nói của dư luận tiến bộ trên thế giới cũng là một trong những biện pháp đảm bảo thi hành luật và nó cũng là biện pháp tác động đến hành vi của các nước.
Ở đây chúng ta thấy việc Trung Quốc vi phạm vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và không phải là vùng biển tranh chấp. Đó cũng là một trong những lý do làm cơ sở pháp lý để cho các nước có thêm cơ sở lên tiếng bảo vệ chính nghĩa.
Nguyên tắc chung của các nước trên thế giới là không can thiệp vào những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, là những tranh chấp mà ở đó các nước không có lợi ích và không có yêu sách. Tuy nhiên, với những tranh chấp, sự cố xảy ra ảnh hưởng đến lợi ích của họ như tự do hàng hải, Biển Đông là khu vực mà ở đó có các tuyến hàng hải quốc tế rất quan trọng, thì các nước đều lên tiếng phản đối và đều có cơ sở để mà có thể lên án và yêu cầu ngừng các hành vi vi phạm.
PV: Trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động ráo riết hướng tới độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thì Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông?
TS Phạm Lan Dung: Việt Nam là một quốc gia thành viên UNCLOS và chủ trương của Việt Nam là sẽ kiên trì, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Trên thực địa, chúng ta phải sử dụng những biện pháp kiên quyết nhưng cũng rất kiềm chế, để làm sao tuân thủ pháp luật, đảm bảo phù hợp với những quy định của UNCLOS, pháp luật quốc tế và phù hợp với luật pháp của Việt Nam.
Về mặt ngoại giao, chúng ta thấy người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ, Việt Nam đã có nỗ lực không ngừng trao đổi quan điểm với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau. Hiện Việt Nam đã rất kiên trì nỗ lực thực hiện những biện pháp đàm phán và trao đổi quan điểm với phía Trung Quốc. Đây cũng là một trong những điều kiện đầu tiên mà các quốc gia cần phải làm trước khi muốn đưa vụ việc ra giải quyết ở các cơ quan tư pháp.
Các bước đi mà chúng ta thực hiện là rất phù hợp với luật pháp quốc tế và đó cũng là sự chuẩn bị rất cẩn thận, nghiêm túc để đảm bảo các biện pháp ngoại giao có hiệu quả cao nhất. Ngay cả khi các biện pháp ngoại giao không có hiệu quả nữa, thì đó cũng là cách mở đường cho khả năng tiến hành các biện pháp pháp lý nếu thấy cần thiết.
PV: Xin cảm ơn TS Phạm Lan Dung!./.