Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS) năm 1982 được thông qua ngày 30/4/1982 đánh dấu kết quả 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp quốc, từ năm 1973 đến năm 1982. Được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương”, Công ước Luật Biển năm 1982 gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển, cũng như các quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, khai thác, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.
Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã vận dụng hiệu quả UNCLOS để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển đồng thời trên cơ sở các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển nhằm tạo khuôn khổ, căn cứ pháp lý vững chắc cho hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần thực hiện hiệu quả các quyền, nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNCLOS.
Trong 26 năm thực thi UNCLOS (kể từ ngày 16/11/1994, khi UNCLOS có hiệu lực), trên cơ sở các quy định của UNCLOS cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia, Việt Nam đã nghiên cứu, soạn thảo và ban hành nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành về biển, về các lĩnh vực kinh tế biển. Trong đó, có thể kể đến là:
- Luật Dầu khí sửa đổi các năm 2008 và 2005 (sửa đổi Luật Dầu khí năm 1993) quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí trong các vùng biển Việt Nam và công tác quản lý hoạt động dầu khí;
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường các 1993 và 2005) quy định về hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển, hải đảo;
- Luật Biên giới quốc gia 2003 quy định các vấn đề về biên giới quốc gia; chế độ pháp lý về biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới; chế độ pháp lý, quy chế quản lý và bảo vệ vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do pháp luật Việt Nam quy định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
- Luật Thủy sản năm 2017 (thay thế Luật Thủy sản năm 2003) quy định các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam và khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp;
- Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 (thay thế Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2005) điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam;
- Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định các cơ chế, chính sách trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc trên biển;
- Luật Quy hoạch năm 2017 quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, trong đó gồm quy hoạch không gian biển quốc gia;
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.
Đáng chú ý, việc trở thành thành viên UNCLOS đòi hỏi Việt Nam phải có một đạo luật riêng và tổng thể về biển. Trong bối cảnh đó, ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế. Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều quy định nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; hợp tác quốc tế về biển; các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển. Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển nói riêng. Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012, lần đầu Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS.
Để triển khai hiệu quả các văn bản luật nêu trên, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành đã được ban hành. Có thể kể đến Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản trong đó có quy định về các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 20/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định nguyên tắc tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động Ứng phó sự cố tràn dầu; Quyết định số 780/QĐ-TTg ngày 23/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn…
Các luật, bộ luật và hệ thống nghị định, quy định, quy chế nói trên là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của mình. Đồng thời, qua đó Việt Nam đã chuyển đi thông điệp: Việt Nam tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nói chung và của UNCLOS nói riêng; Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của UNCLOS, đồng thời có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước, như đã khẳng định tại Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”.