Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện gió được đánh giá rất cao. (Ảnh: Xuân Ngọc)
Châu Á: Thị trường tiềm năng nhất
Tiềm năng gió của Việt Nam hiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng để phát triển điện gió ngoài khơi với chi phí đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn dài, trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện thị trường điện và hành lang pháp lý liên quan là một bài toán đòi hỏi có sự chia sẻ giữa các bên liên quan, kết hợp kinh nghiệm quốc tế với điều kiện của Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, đến năm 2030, nhu cầu tổng công suất điện lắp đặt là gần 140 GW (tăng gần gấp đôi so với cuối 2020), năm 2045 là gần 280 GW (tăng gần gấp bốn lần so với năm 2020), nhu cầu vốn đầu tư cho mỗi năm từ nay đến năm 2045 là gần 13 tỷ USD. Nếu không có giải pháp đột phá và bền vững thì việc phát triển điện lực sẽ làm ảnh hưởng tới các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Trong khi đó, dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII), mục tiêu tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bình quân là 6,1% đến năm giai đoạn 2021 - 2030 và 5,7% giai đoạn 2031 đến năm 2045.
Báo cáo của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC2) phát hành tháng 3/2021 nêu rõ, giai đoạn 2001 - 2020, tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi là 35 GW thì sau 5 năm, từ năm 2021 đến 2025, tổng công suất lắp đặt là dự kiến 70 GW và từ năm 2021 đến năm 2030 dự kiến là 234 GW. Châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là các nước và vùng lãnh thổ có tiềm năng phát triển nhất.
Ngoại trừ Việt Nam chưa chính thức công bố, các nước và vùng lãnh thổ nêu trên đều đặt ra các mục tiêu hết sức tham vọng từ năm 2020 đến 2030, cụ thể là Trung Quốc từ 9W lên 50 GW, Ấn Độ từ 5 GW lên 30 GW, Đài Loan từ 0,128 GW lên 15 GW, Hàn Quốc từ 0,145 GW lên 12 GW, Nhật Bản từ 0,62 MW lên 10 GW. Như vậy, triển vọng phát triển điện gió ngoài khơi cho đến năm 2030 đang thuộc về các nước trong khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật khoảng 475 GW (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới - WB) hay khoảng 162 GW (theo báo cáo của Cơ quan năng lượng Đan Mạch-DEA).
Nhận định từ Nhóm ngân hàng thế giới (WBG) tháng 4/2021 cũng cho rằng, để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và nhà sản xuất trên thế giới phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam thì quy mô của thị trường với các mục tiêu phải đủ lớn, lộ trình rõ ràng, chính sách phù hợp.
Quy hoạch điện VIII chính thức nhắc tới điện gió ngoài khơi
Tại Việt Nam, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, lần đầu tiên điện gió ngoài khơi đã được định nghĩa là các dự án tại khu vực có độ sâu đáy biển từ 20 mét trở lên. Tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm đến gần 30% tổng nguồn điện đến năm 2030, tuy nhiên đối với điện gió ngoài khơi theo kịch bản cơ sở thì đến năm 2030 công suất lắp đặt chỉ chiếm tỷ lệ 1,45% (2 GW/137,662 GW) và đối với kịch bản cao là 2% (3 GW/147,552 GW).
Việt Nam khi đó sẽ được hưởng lợi từ phát triển điện gió ngoài khơi với chi phí sản xuất điện quy dẫn (Levelized Cost of Energy, LCOE) giảm dần, tạo việc làm mới, thu hút vốn đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phát thải khí CO2.
Tính toán của WBG đã chứng minh với tổng quy mô công suất điện gió ngoài khơi năm 2030 là 10GW, 2035 là 25GW, năm 2040 là 40GW và năm 2050 là 70GW-tương ứng với tỷ lệ điện năng cung cấp là 5%,12%, 17% và 27%, Việt Nam có thể đạt được một số kết quả là lũy kế đến năm 2035 bổ sung 50 tỷ USD nền kinh tế (bao gồm cả xuất khẩu), tạo mới khoảng 700.000 việc làm/năm (40% trong số này phục vụ xuất khẩu linh kiện được làm tại Việt Nam), thu hút được 500 triệu USD vốn đầu tư, tránh phát thải hơn 217 triệu tấn CO2, tỷ lệ nội địa hóa 60% và yếu tố rất quan trọng LCOE là 83 USD/mWh vào năm 2030 và 62 USD/mWh vào năm 2035, khi sản xuất được 203 TWh.
Với những tính toán này, có thể nói điện gió ngoài khơi chính là đột phá và động lực cho phát triển kinh tế xanh bền vững của Việt Nam trong nhiều năm tới.
Xuất phát từ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, các công ty tư vấn quốc tế cũng đã có những khuyến nghị Việt Nam nên cho phép triển khai một số dự án đủ lớn theo giai đoạn để khởi động cho lĩnh vực này. Cơ chế, thủ tục lựa chọn dự án, nhà đầu tư và các vấn đề pháp lý liên quan là các nội dung cần được các cơ quan hữu quan hướng dẫn sớm để tạo môi trường thu hút đầu tư, phát triển nguồn điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng mang tầm cỡ thế giới của Việt Nam.
Nhận thấy tiềm năng rất lớn điện gió ngoài khơi, một số địa phương đã đề xuất với Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép triển khai dự án các điện gió ngoài khơi, trong đó tập trung nhiều nhất ở tỉnh Bình Thuận. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có các văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ưu tiên đưa dự án Thăng Long Wind của Tập đoàn Enterprize Energy (Vương quốc Anh) vào quy hoạch điện VIII, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế cho điện gió ngoài khơi.
Ông Ian Hatton, chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy chia sẻ: Với tiềm năng gió của Việt Nam kết hợp với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ hiện nay, dự án Thăng Long Wind sẽ đảm bảo phát điện và giữ ổn định lưới điện thông qua hệ thống tích trữ năng lượng LAES theo các quy định của Việt Nam, đồng thời xây dựng đề án sản xuất khí Hydro và Amonia từ điện phân nước biển để phục vụ cho nền kinh tế xanh của Việt Nam trong tương lai./.