Chuyển màu đỏ thành xanh
GoViet, nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu tại Việt Nam, vừa chính thức công bố sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam.
Việc hợp nhất này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược dài hạn của công ty, mở rộng hơn nữa thành công của nền tảng GoViet. Bên cạnh đó, ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên là Giám đốc Vận hành GoViet, đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam.
Gojek Group là tập đoàn công nghệ đa nền tảng lớn nhất Indonesia, là một startup kỳ lân công nghệ của quốc gia này. Từ lần đầu ra mắt ứng dụng vào năm 2015 đến nay, Gojek đã cải thiện và nâng cao cuộc sống của hàng triệu người dùng, đồng thời tăng cường sức mạnh cho các tổ chức phi chính phủ cùng những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Không ngừng phát triển và mở rộng thị trường, Gojek hiện là tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á, một trong những đơn vị tiên phong của mô hình siêu ứng dụng (Super App) tích hợp, kết nối người dùng với hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 nhà hàng tại hơn 200 thành phố, ở năm quốc gia Đông Nam Á. Người dùng có thể sử dụng các dịch vụ của Gojek ở Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Gojek hiện tại đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào thị trường Đông Nam Á bao gồm: Việt Nam, Thai Lan, Singapore và Philippines. Tại Việt Nam, GoViet chính là công ty địa phương được Gojek đầu tư cả công nghệ và chuyên môn.
Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8/2018, GoViet đã đạt được những thành tựu tăng trưởng theo cấp số nhân, thiết lập một hệ sinh thái đông đảo người dùng và tạo ra tác động xã hội tích cực đáng kể cho các đối tác tài xế và nhà hàng.
Khi GoViet hợp nhất thành Gojek tại thị trường Việt Nam, Giám đốc Vận hành GoViet Phùng Tuấn Đức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam để lãnh đạo công ty trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Phùng Tuấn Đức, cho biết: "Từ khi thành lập GoViet, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với Gojek để xây dựng một hệ sinh thái thịnh vượng bao gồm những người dùng và các đối tác, nhằm mang lại cuộc sống thuận tiện hơn cho người dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để gỡ bỏ những trở ngại trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời làm việc với các đối tác tài xế và nhà hàng để tạo thêm cơ hội thu nhập cho họ, giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Trở thành Gojek tại Việt Nam đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ mang tới trải nghiệm tốt hơn cho tất cả người dùng, ngày hôm nay và trong nhiều năm tới".
Ứng dụng Gojek, dựa trên nền tảng công nghệ toàn cầu mới, sẽ cho phép GoViet đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu và ưu tiên của người dùng Việt Nam thông qua việc đổi mới sáng tạo, đưa ra các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn, mượt mà hơn. Ứng dụng mới sẽ giúp người dùng Việt Nam có những trải nghiệm tốt hơn, với giao diện đơn giản, gọn gàng hơn và nhiều tính năng được nâng cấp.
GoViet hiện hoạt động trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt đồ ăn (GoFood), phục vụ hàng triệu người dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đồng thời tạo ra cơ hội thu nhập cho hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng, phần lớn trong số đó là các cửa hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã đạt mốc 100 triệu đơn hàng - con số này nhanh chóng tăng gấp đôi thành 200 triệu chỉ sau đó sáu tháng. Tỷ lệ hài lòng của người dùng liên tục ở mức cao (98%).
Ông Andrew Lee, Giám đốc các thị trường quốc tế của Gojek, cho biết: "Với việc Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên ngoài Indonesia, GoViet đã mở đường cho sự mở rộng hoạt động trong khu vực của Gojek và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nhân rộng thành công này. Bằng cách hợp nhất các ứng dụng và thương hiệu tại các thị trường, chúng tôi sẽ có thể mang lại trải nghiệm tốt hơn nữa cho người dùng, đưa những thành tựu hiện có của chúng tôi lên những tầm cao mới".
Như vậy, ứng dụng gọi xe GoViet tại Việt Nam sẽ chính thức bị xóa thương hiệu và chuyển đổi sang một tên gọi mới là GoJek. Thực ra GoViet là của GoJek nên đây coi như là việc đổi tên thương hiệu của ứng dụng gọi xe này không sớm thì muộn và đây là thời điểm làm việc đó.
Sẽ chuyển đổi sang ứng dụng GoJek
Như vậy ứng dụng GoViet sẽ có diện mạo và tên gọi hoàn toàn mới: GoJek Việt Nam.
Sau khi quá trình chuyển đổi bắt đầu thì tài xế GoViet hiện tại sẽ tải ứng dụng Driver của GoJek đồng thời sẽ đổi đồng phục theo chính sách ưu đãi từ GoJek. Các thông tin tài xế như tài khoản, mật khẩu cũ sử được chuyển đổi tự động khi qua app mới.
Với người dùng hiện tại vẫn tiếp tục sử dụng ứng dụng GoViet cho đến khi nhận được thông báo tải ứng dụng Gojek.Tất cả những tiện ích người dùng đang có trên GoViet vẫn sẽ được duy trì để tiếp tục sử dụng.
Về lâu dài, sẽ có một ứng dụng hoàn toàn mới thay cho GoViet. Đặc biệt, ứng dụng này cũng sẽ tự cập nhật để hỗ trợ nhu cầu của người dùng khi đi du lịch dến các quốc gia Gojek phủ sóng như Singapore, Indonesia và Thái Lan
Đại diện GoViet cho biết: Khi có ứng dụng mới, người dùng cần làm là đồng ý để ứng dụng này lưu thông tin tài khoản đang sử dụng trên GoViet và có thể đăng nhập bằng thông tin đang đăng ký với GoViet trên ứng dụng Gojek. Trường hợp người dùng không đồng ý lưu lại thông tin cũ thì sẽ phải tạo tài khoản mới.
Cuộc đấu tay đôi
Cũng giống như GoJek, Grab đang muốn mở rộng các dịch vụ của mình bao gồm dịch vụ theo yêu cầu và các dịch vụ fintech, để hướng đến một siêu ứng dụng tại Đông Nam Á. Thậm chí, Grab còn lên kế hoạch đánh chiếm mạnh hơn vào thị trường "sân nhà" của GoJek là Indonesia bằng việc đầu tư 250 triệu USD để thâu tóm các doanh nghiệp địa phương.
Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường ABI Research cho thấy một kết quả bất ngờ, có thời điểm, Grab đã vượt GoJek ở thị trường Indonesia để vươn lên số 1 ở thị trường này xét về số cuốc xe. Cuộc chiến cạnh tranh thị phần của GoJek và Grab chưa lúc nào ngừng nghỉ cả ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
Mới đây, việc Facebook đầu tư vào GoJek có thể xem là lợi thế rất lớn đối với startup của Indonesia. GoJek và Grab đều nhắm đến trở thành ứng dụng mặc định, sử dụng cho nhiều mục đích của người tiêu dùng khắp Đông Nam Á giống WeChat của Tencent. Startup này hiện được nhiều tên tuổi "chống lưng" gồm cả Google, Tencent và quỹ Temasek của Singapore.
Việc đổi thương hiệu GoViệt thành GoJek thể hiện quyết tâm của kỳ lân này chạy đua đường dài cùng Grab tại thị trường Việt Nam.
Sau sự rút lui của Uber khỏi Đông Nam Á, Grab gần như nắm vị thế độc tôn tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam. Các ứng dụng gọi xe Việt liên tiếp ra mắt như: Mai Linh Bike; ứng dụng gọi xe Vivu và sau này để tên thành Vato của doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang; ứng dụng Xelo của Skysoft; Tnet của FPT; Fast Go... nhưng thể hiện tiếng nói khá yếu ớt trên chính địa bàn của mình. Nhìn chung các ứng dụng gọi xe Việt đều chưa tạo được tiếng vang và thu hút được sự tham gia của thị trường, vấp phải khó khăn trong vấn đề công nghệ hoặc tài chính
Đến khi GoViet xuất hiện vào đầu tháng 8/2018, thị trường gọi xe công nghệ Việt mới thực sự trở nên sôi động. Thị trường gọi xe trực tuyến ở Việt Nam trở thành "đấu trường" cho hai tay chơi ngoại: Grab và GoViet.
Với sự hậu thuẫn của "kỳ lân" GoJek từ Indonesia, GoViet nhanh chóng trở thành một đối thủ có thể đấu tay đôi với Grab. Nhờ sức mạnh tài chính, GoViet "ghi điểm" khi thể hiện quyết tâm "đốt tiền" cho các chương trình khuyến mãi khủng và mức chiết khấu thấp cho tài xế. khách hàng bắt đầu chú ý đến sắc đỏ của GoViet. Nhiều tài xế cũ của Uber sau sáp nhập với Grab nay lại quyết định đầu quân cho hãng.
GoJek vào Việt Nam sẽ mang nhiều lợi ích cho cả khách hàng và tài xế bởi sự độc quyền hiện tại của Grab dường như mang lại sự không hài lòng khi nhiều tin cho rằng Grab âm thầm tăng giá, hạn chế mã khuyến mãi cũng như khắt khe hơn đối với các đối tác của mình. Xét thực trạng hiện tại ở Việt Nam thì Grab đang độc quyền trong khi các DN Việt Nam vẫn chưa thấy sự đột phá cũng như đẩy mạnh việc quảng bá của mình. Liệu GoJek có mang lại sự cân bằng hơn cho thị trường này không thì còn chờ thời gian.