Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục phó Cục Tần số Vô tuyến điện, hội tụ kỹ thuật số đang tác động tích cực vào cuộc sống nhờ cải thiện phạm vi, chất lượng dịch vụ và hiệu suất sử dụng phổ tần. Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số là quá trình phức hợp với các tác động xã hội và kinh tế. Do đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Vì vậy, hội thảo quốc tế về phát sóng tuyền hình kỹ thuật số do Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì tổ chức nhằm mục đích chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về quá trình chuyển đổi truyền hình kỹ thuật số cho các đài truyền hình cũng như các cơ quan quản lý phát sóng truyền hình trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về số hóa truyền hình, quản lý chất lượng thiết bị thu truyền hình số; phổ tần và quản lý chất lượng phát sóng truyền hình kỹ thuật số.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp uy tín sẽ thuyết trình nhiều chuyên đề quan trọng, như: Quá trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số tại Việt Nam và Thái Lan; Kinh nghiệm ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại Nhật Bản; Kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng; Ấn định kênh tần số và giải quyết can nhiễu trong quá trình chuyển đổi; Quản lý chất lượng thiết bị thu truyền hình số, can nhiễu giữa truyền hình số mặt đất và thông tin di động trong băng tần 694-806 MHz…
Các đại biểu tại hội nghị tham quan gian hàng trưng bày ăng ten thu sóng, đầu thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất.
|
Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý tần số các nước ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Philippin và Việt Nam; Ban Chính sách Truyền hình kỹ thuật số quốc tế (Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản); Cục Truyền thông và Đa phương tiện Úc; Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của SONY Malaysia; Sở TT&TT Đà Nẵng và các cơ quan thuộc Bộ TT&TT.