Việt Nam bác bỏ quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông

Thứ ba, 02/06/2020 15:18

Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông , đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Ngày 8.5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1.5 - 16.8 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.
 
Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước, đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.
 
Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
 
20200602-l33.jpg
 
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam - ẢNH NGƯ DÂN CUNG CẤP
 
Trước đó, ngày 1.5, phía Trung Quốc đưa ra thông báo về lệnh cấm đánh bắt cá hơn 3 tháng rưỡi trên Biển Đông. Đây là việc làm thường niên của phía Trung Quốc và luôn bị Việt Nam và Philippines phản đối.
 
Khu vực Trung Quốc thông báo cấm đánh bắt cá xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam. Theo South China Morning Post, lệnh cấm đánh bắt cá này đồng nghĩa với việc Trung Quốc cấm cả tàu nước ngoài hoạt động đánh bắt quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough.
 
Cũng theo tờ báo trên, những năm trước, Trung Quốc tránh việc bắt giữ các tàu cá của Việt Nam và Philippines hoạt động ở khu vực Biển Đông, nhưng đã bắt giữ các tàu Trung Quốc được cho là vi phạm lệnh cấm đánh bắt.
 
Tuy nhiên, năm nay, Cảnh sát biển Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc đã thông báo chiến dịch “trấn áp” tất cả các tàu vi phạm.
 
Philippines đã “phản đối mạnh mẽ” lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc, cho rằng nước này vi phạm chủ quyền của Philippines.
 
Ngày 4.5, Hội Nghề cá Việt Nam đã gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại T.Ư Đảng, bày tỏ quan điểm kịch liệt phản đối Trung Quốc đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
 
Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của phía Trung Quốc với phạm vi trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông cho đến 12 độ vĩ bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
 
Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đơn phương áp đặt là vi phạm chủ quyền của Việt Nam; vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, cản trở ngư dân Việt Nam sản xuất trên biển. Quy chế cấm đánh bắt cá này đã vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam theo các quy định luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế có liên quan.
 
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc và quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Trong công văn, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc.
 
Cùng ngày 4.5, Hội Nghề cá Việt Nam gửi công văn đến hội nghề cá, hội thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển trên phạm vi cả nước đề nghị triển khai các biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển lao động sản xuất khi Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Vũ Hân
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top