Vì sao Viettel dựng trạm 3G dày đặc khắp Việt Nam?

Thứ sáu, 25/09/2015 08:48

Dự kiến đưa số trạm 3G trên toàn quốc lên con số 40.000, Viettel đưa mật độ trạm thu phát sóng dày đặc đến mức có vẻ như “không cần thiết”. Tuy nhiên, nhà mạng Quân đội có lý do riêng.

img

Đến cuối năm 2015, Viettel sẽ có khoảng 90.000 trạm BTS, trong đó 38.000 trạm 2G, 40.000 trạm 3G và 12.000 trạm 4G. Ảnh: Nguyễn Quân.

Trước khi công bố kế hoạch đầu tư thêm cho hạ tầng 3G và kế hoạch cung cấp 4G vào cuối năm 2015, Viettel có 32.000 trạm thu phát sóng 3G, chiếm hơn 50% tổng số trạm 3G của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam cộng lại. Chỉ tính đến cuối năm 2014, theo số liệu của Bộ Thông tin Truyền thông, Viettel cũng chiếm hơn 50% thị phần 3G về thuê bao.
Với số trạm 3G vượt trội lẽ ra nhà mạng này chưa cần đầu tư thêm mà tiếp tục khai thác để tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, vào đầu tháng 9, Viettel công bố kế hoạch đầu lớn cho hạ tầng 3G cũng như 4G và bổ sung cả 2G.

Theo đó, từ nay đến hết năm 2015 Viettel sẽ đầu tư thêm 23.000 trạm phát sóng (trong đó có 8.000 trạm 3G, 3.000 trạm 2G, 12.000 trạm 4G), nâng tổng số trạm Viettel sở hữu lên tới 90.000 trạm (38.000 trạm 2G, 40.000 trạm 3G, 12.000 trạm 4G).

Như vậy, đến cuối 2015, 3G của Viettel sẽ phủ đạt 100% số xã và 95% dân số tương đương với mạng 2G hiện nay. Việc cung cấp thử nghiệm 4G cũng dự kiến được triển khai trong năm 2015 với giá cước không cao hơn 3G.

Giải thích về việc tiếp tục tăng mạnh độ phủ của 3G trong khi vẫn đang là nhà mạng vượt trội về vùng phủ sóng, ông Đỗ Minh Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel phân tích:

“Thứ nhất, chúng tôi mong muốn 3G sẽ trở thành dịch vụ cơ bản và phổ cập đến mọi người dân như 2G nên cần phải tiếp tục mở rộng đến cả những nơi hẻo lánh nhất ở Việt Nam. Khi hạ tầng 3G đã sẵn sàng thì nhu cầu sử dụng sẽ có điều kiện tăng trưởng mạnh.

Thứ hai, Viettel mong muốn đảm bảo tốc độ và chất lượng 3G của mình ở mức tốt nhất nên số lượng trạm 3G cần dày đặc”.

Lãnh đạo của Viettel cũng giải thích lý do phủ sóng 3G bằng số lượng trạm dày đặc trên khắp Việt Nam bằng băng tần cao là 1.8 và 2.1 GHz chứ ít dùng băng tần 900 HMz (dùng băng tần thấp sẽ có vùng phủ rộng hơn, tốn ít trạm thu phát sóng nhưng chất lượng sẽ khó đảm bảo).

“Với dịch vụ dữ liệu, chất lượng sẽ phụ thuộc vào số lượng người dùng ở khu vực gần trạm và khoảng cách của thiết bị tới trạm phát sóng. Do đó, nếu dùng trạm có băng tần 900 MHz, vùng phủ sóng xa hơn nhưng chất lượng sẽ không đảm bảo cho các thiết bị ở xa trạm.

Do đó chúng tôi vẫn chọn phương án phủ dày đặc các trạm 3G tần số cao trong các khu vực đô thị và chỉ sử dụng băng tần 900 MHz ở các vùng sâu, vùng xa khi cần phủ rộng để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”, ông Phương cho biết.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cũng bổ sung thêm, đi kèm với việc mở rộng vùng phủ 3G, công ty này cũng đã ký hợp đồng nhập thiết bị và triển khai ngay việc lắp đặt hạ tầng 4G. Theo đó, chậm nhất là quý 1/2016, Viettel sẽ có vùng phủ 4G đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố với 12.000 trạm phát sóng.

Trước đó, hãng viễn thông này đã bắt đầu thay đổi cách tính cước dữ liệu với dịch vụ đầu tiên dành riêng cho ứng dụng Facebook. Theo đó, chỉ cần bỏ ra chi phí rất thấp, người dùng có thể sử dụng Facebook với 3G tốc độ cao một cách khá thoải mái. Đây là cách làm khác hẳn với trước đây khi người dùng chỉ được dùng 3G tốc độ cao với một dung lượng hữu hạn, sau đó tốc độ sẽ giảm xuống.

“Sắp tới, Viettel sẽ áp dụng chính sách kiểu “buffet” cho các gói cước tốc độ cao của dịch vụ dữ liệu nói chung (gồm cả 3G và 4G). Theo đó, khách hàng tùy vào nhu cầu của cá nhân chỉ cần trả một số tiền nhất định (thấp hơn so với các gói cước hiện nay) là sẽ được sử dụng dữ liệu tốc độ cao không giới hạn dung lượng”, ông Phương cho biết./.
 
Nguyễn Hà (Dân Trí)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top