Vấn nạn đã kéo dài gần 10 năm, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết
Năm 2009, Chris Hughson - một anh chàng làm công việc môi giới nhà đất, giận "điếng người" khi liên tục bị tấn công bởi cuộc gọi và tin nhắn spam, kéo dài liên tục suốt 10 ngày, ngay cả khi đã đăng ký dịch vụ "Do Not Call Registry" (từ chối các cuộc gọi quảng cáo). "Chắc chắn phải có cách để chống lại lại chúng", Chris nghĩ trong đầu.
Là một người từng học về luật nhưng chưa có cơ hội áp dụng, Chris đã soạn thảo hàng tá văn bản để khởi kiện nhà mạng mà anh sử dụng theo quy định của Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng điện thoại (TCPA). Nhưng rồi kết cục cũng chẳng đi tới đâu, vì ngay cả nhà mạng cũng không thể ngăn chặn những gì mà anh gặp phải.
Chris Hughson chỉ là một nạn nhân trong số hàng trăm nghìn người Mỹ, và có lẽ là hàng triệu người dùng di động trên toàn thế giới gặp phải sự khó chịu trước những cuộc gọi, tin nhắn tự động.
Điều đáng nói là dù bắt đầu từ rất sớm, nhưng mãi cho tới nay đã gần 10 năm, số trường hợp bị spam không những giảm, mà ngày càng có dấu hiệu gia tăng, dù người dùng đã áp dụng mọi biện pháp, và Chính phủ các nước cũng đã vào cuộc.
Theo The Verge, thống kê của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết, trung bình mỗi tháng họ thường xuyên nhận được khoảng 500.000 đơn khiếu nại của người dân về các cuộc thoại tự động.
Thống kê khác từ một phần mềm chặn cuộc gọi spam trong năm 2018 ghi nhận đã chặn tới 147 triệu cuộc gọi tự động mỗi ngày trên toàn nước Mỹ, và con số này chỉ là tương đối khi so với những cuộc gọi không bị chặn.
Cuộc gọi spam và thủ thuật mạo danh như thế nào?
Rất nhiều người dùng nhận được các cuộc gọi spam từ đầu số quốc tế, hay mặc dù ngay cả khi hiển thị đầu số Việt Nam nhưng thông tin trong đoạn hội thoại lại là tiếng ngước ngoài.
Đây là một thủ thuật mạo danh (ID spoof) đơn giản, cho phép kẻ lừa đảo có thể biến các cuộc gọi spam thành các cuộc gọi đang gọi từ mã vùng của chúng ta. Một số dịch vụ thậm chí cho phép kẻ spam chọn số mà chúng muốn nạn nhân nhìn thấy trên màn hình điện thoại.
Tất nhiên, đa số người dùng đều cảnh giác trước những cuộc gọi spam và hầu như không bị khai thác gì từ chúng. Thế nhưng cũng có những trường hợp bị lừa tiền, để lộ thông tin cá nhân như số tài khoản, thẻ tín dụng, hoặc một hình thức lừa đảo nào đó.
Ngay cả Chris Hughson, một người đã quá đỗi kinh nghiệm, và thậm chí trở thành một nhà làm luật trong cuộc chiến với tin nhắn spam, cũng thừa nhận anh vẫn tiếp tục bị lừa. Cụ thể là trong một lần có cuộc gọi thông báo anh nhận được một chuyến nghỉ mát miễn phí và quà tặng từ siêu thị Walmart. "Tôi đã nghĩ chúng là thật", Hughson nói.
Không thể ngăn chặn những gì do Internet mang lại
Vấn đề giữa cuộc gọi spam cũng như cách ngăn chặn nó là một cuộc chiến dai dẳng trước các đơn vị làm phần mềm. Trong khi ứng dụng chặn cuộc gọi tập trung vào việc phát hiện và chặn một đầu số di động bị tình nghi là spam, thì các phần mềm cho phép bất kỳ ai cũng có thể trở thành một "spammer" vẫn nhan nhản trên Internet và hầu như là miễn phí hoặc có chi phí rất thấp.
"Công nghệ để trở thành một spammer phát tán đầy trên Internet và gần như không có một rào cản nào trong lĩnh vực này", Ian Barlow, người đại diện của FTC cho biết.
Tính trung bình, kẻ spammer chỉ mất khoảng 1 cent Mỹ cho mỗi phút cuộc gọi, và thậm chí chỉ tính phí nếu người dùng trả lời lại đoạn hội thoại. Theo Ian Barlow, có lẽ chỉ mất khoảng từ 5000 USD để gọi cho toàn bộ dân cư thuộc thành phố Washington DC nếu sử dụng dịch vụ nêu trên.
Cách tốt nhất để xử lý trường hợp khi nhận được cuộc gọi từ một đầu số không rõ ràng, ngay cả khi nó trông giống như số điện thoại của bạn, đó là không trả lời, cúp máy hoặc yêu cầu chúng để lại tin nhắn vào hộp thư thoại.
Nếu không có thư thoại, hoặc cuộc gọi đều là spam hoặc thông điệp đó không quan trọng. Nếu người gọi không gửi thư thoại, bạn có thể tự quyết định xem cuộc gọi có hợp pháp hay không, nhưng nếu hộp thư thoại yêu cầu thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng hoặc số chứng minh thư, thì đó chắc chắn là lừa đảo.