Quyết định gây tranh cãi
Colonial Pipeline là một trong các hãng vận hành đường ống nhiên liệu hàng đầu của Mỹ.
Công ty này bị tin tặc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) hôm 7/5, dẫn đến đóng cửa toàn bộ hệ thống cung cấp nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu tại duyên hải Vịnh Mexico cho miền đông và miền nam Mỹ. Tối cùng ngày, CEO Joseph Blount đưa ra quyết định khó khăn: trả tiền cho tin tặc.
Trả lời Thời báo Phố Wall, ông cho biết chấp thuận khoản tiền chuộc 4,4 triệu USD vì lãnh đạo công ty không biết được vụ tấn công mạng ảnh hưởng hệ thống tồi tệ tới mức nào, cũng như mất bao lâu để khôi phục đường ống.
Đây là lần đầu tiên ông công khai thừa nhận trả tiền chuộc. Colonial Pipeline cung cấp gần 45% nhiên liệu cho Bờ Đông nước Mỹ, do đó đóng cửa hạ tầng năng lượng quan trọng như vậy vô cùng rủi ro.
“Tôi biết quyết định ấy gây tranh cãi. Tôi không hề xem nhẹ nó. Phải thừa nhận tôi không thoải mái khi nhìn thấy tiền rơi vào túi những người như vậy. Tuy nhiên, đây là điều đúng đắn phải làm cho đất nước”, ông nói trên Thời báo Phố Wall.
Theo một nguồn tin, số tiền 4,4 triệu USD được trả dưới dạng Bitcoin. Đổi lại, công ty nhận được công cụ giải mã để mở khóa hệ thống bị tin tặc xâm nhập. Nhưng nó chưa đủ để khôi phục hệ thống ngay lập tức.
Đường ống vận chuyển xăng, dầu và các sản phẩm tinh chế khác cuối cùng bị đóng cửa trong 6 ngày. Sự cố gây ra náo loạn tại Bờ Đông, đẩy giá lên mức cao nhất trong vòng 6 năm và khiến hàng ngàn trạm xăng thiếu nhiên liệu.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ nhiên liệu tại khu vực này giảm khoảng 4,6 triệu thùng vào tuần trước, mức giảm sâu nhất kể từ cuối tháng 2.
Lựa chọn sống còn
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) luôn khuyên các công ty không trả tiền khi họ bị tấn công mã độc tống tiền. FBI cho rằng hành vi trả tiền sẽ khuyến khích thị trường tội phạm bùng nổ. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vẫn quyết định thanh toán vì đó là cách duy nhất để tránh những sự cố gián đoạn tốn kém.
Theo ông Ciaran Martin, cựu Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh, trả tiền chuộc cho tin tặc thúc đẩy hoạt động tội phạm nhiều hơn và không phải lúc nào nạn nhân cũng có thể phục hồi hệ thống. Ông khuyên doanh nghiệp nên cân nhắc các yếu tố này khi quyết định trả tiền chuộc hay không.
Ông nêu ra một số nguyên nhân khiến khủng hoảng mã độc tống tiền ngày càng trầm trọng. Một trong số đó là mô hình kiếm tiền từ ransomware chứng minh rất hiệu quả với tội phạm mạng.
Quan chức Mỹ liên hệ vụ tấn công Colonial Pipeline với băng nhóm tội phạm DarkSide, được tin là đặt trụ sở tại Đông Âu. Cuối tuần trước, DarkSide tuyên bố “giải nghệ” do mất khả năng truy cập hạ tầng của mình.
Ông Blount đã tham vấn với các chuyên gia từng đối phó với tổ chức tội phạm. David Kennedy, Giám đốc hãng bảo mật TrustedSec, phản đối việc trả tiền chuộc vì mỗi lần làm như vậy lại góp phần mở rộng năng lực của tội phạm mạng. Song ông hiểu tâm lý của các nạn nhân vì về cơ bản, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “quỳ gối” đầu hàng.
Ông Blount, 60 tuổi, đã dẫn dắt Colonial Pipeline từ năm 2017. Trong 5 năm qua, công ty đầu tư 1,5 tỷ USD để duy trì tính toàn vẹn của hệ thống dẫn nhiên liệu dài gần 9.000km và chi 200 triệu USD cho công nghệ thông tin. Với ông Blount, vụ tấn công có sức công phá không kém gì siêu bão Bờ Vịnh, thường khiến các đoạn đường ống và nhà máy lọc dầu phải đóng cửa vài ngày hay vài tuần. Tuy nhiên, nó còn tàn khốc hơn vì chưa bao giờ Colonial Pipeline phải đóng cửa tất cả đường ống một lúc.
Theo ông Blount, dù việc vận chuyển dầu đã trở về bình thường, tác động của vụ tấn công chưa thể chấm dứt. Sẽ mất vài tháng để khôi phục vài hệ thống và tốn thêm hàng chục triệu USD nữa. Ông cho biết công ty chưa thể tính hóa đơn cho khách hàng sau khi hệ thống gián đoạn.
Một tổn thất vô hình khác, theo ông Blount, đó là đánh mất tính ẩn danh. “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì không ai biết Colonial Pipeline là ai, nhưng không may bây giờ không còn như thế nữa. Tất cả mọi người trên thế giới đều biết chúng tôi rồi”, CEO 60 tuổi chia sẻ.