Vì sao các ứng dụng "Mua trước, trả sau" đang bùng nổ tại Việt Nam?

Thứ hai, 21/11/2022 18:33

Mặc dù trên thế giới, mô hình "Mua trước, trả sau" (BNPL) đã xuất hiện cách đây từ 5 - 7 năm tại Việt Nam, phải đến năm 2021, mô hình BNPL mới bắt đầu bùng nổ do dữ liệu đã được chuẩn hoá và việc ứng dụng công nghệ đạt đến độ chín muồi do người dân đã quen với việc sử dụng các dịch vụ trên smartphone.

Tiềm năng của ứng dụng "Mua trước, trả sau" ở Việt Nam

Theo Báo cáo toàn cảnh Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở Việt Nam 2021 do Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP thực hiện, năm 2020 là một năm đầy biến động đối với nhiều ngành công nghiệp, nhưng đó lại là thời điểm khởi đầu cho ngành công nghệ tài chính (fintech). Ngành công nghiệp fintech đã chứng kiến những thay đổi mang tính đột phát và đạt được những mục tiêu mà thông thường có thể mất nhiều năm.

Để rồi, giai đoạn từ năm 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc của tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) và công ty công nghệ tài chính theo đuổi chuyển đổi số (CĐS) trước tiên (digital first). Trong đó, nổi lên là ứng dụng tài chính nhúng (embedded finance - sự tích hợp liền mạch của các dịch vụ tài chính được các công ty phi tài chính) hay cụ thể là mô hình "Mua trước trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL). Mô hình này giúp DN mở rộng tệp khách hàng ở phân khúc thu nhập thấp hơn và tệp khách hàng không có hoặc không muốn sử dụng thẻ tín dụng có thể tiếp cận với các giải pháp tài chính dễ dàng.

Theo báo cáo của Worldpay, các dịch vụ "Mua trước, trả sau" sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Chi tiêu trên các nền tảng "Mua trước, trả sau" cũng được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025. Chỉ riêng tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua việc sử dụng các dịch vụ "mua trước, trả sau" vào năm ngoái.

Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều công ty cũng đã khai phá thị trường này. Có thể kể đến như Akulaku, startup có trụ sở tại Indonesia, từng nhận 40 triệu USD vốn đầu tư của Ant Group, hay Hoolah, một nền tảng từng nhận vốn đầu tư 8 con số ngay tại vòng series A, dẫn dắt bởi Allectus capital.

Tại Việt Nam, thời gian qua, các ứng dụng "Mua trước, trả sau" cũng đã liên tục được ra mắt tiêu biểu như HENO - giải pháp thanh toán trả sau dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) và làm đẹp, Slash - ứng dụng mua sắm trả sau…hay Fundiin, nền tảng mới nhận đầu tư 1,8 triệu USD vào tháng 9/2021.

Theo Research and Markets, thanh toán "Mua trước trả sau" tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 126,4% hàng năm để đạt 1123,9 triệu USD vào năm 2022. Tổng giá trị hàng hóa trong nước sẽ tăng hơn gấp 21 lần, từ 496,4 triệu USD vào năm 2021 lên đến 10.528,1 triệu USD vào năm 2028.

Theo ông Phạm Nam Anh, Giám đốc điều hành HENO cho biết, trên thế giới, mô hình này đã xuất hiện cách đây từ 5 - 7 năm và phát triển mạnh mẽ nhất tại các nước ở châu Mỹ và châu Âu, đặc biệt là giới trẻ 25 - 35 tuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do một số nguyên nhân nhất định nên phải đến năm 2021, mô hình BNPL mới được nhắc đến. Đầu tiên, bên cạnh việc thường đi chậm hơn so với thế giới, nguyên nhân đầu tiên liên quan đến điều kiện cần của mô hình này, đó là dữ liệu và việc ứng dụng công nghệ. Dữ liệu liên quan đến tài chính ở Việt Nam thường không đầy đủ và tin cậy như ở các nước, để có thể ứng dụng công nghệ xử lý ngay lập tức. 

"Đó là lý do tại sao mãi đến năm 2021 ở Việt Nam mới có những "ông lớn" BNPL đầu tiên trên thị trường, dù vẫn xử lý theo phương thức truyền thống thông qua yếu tố con người", ông Nam Anh lý giải.

Phải đến cuối năm 2021, khi những dữ liệu được chuẩn hoá tốt hơn thì các ứng dụng BNPL mới có đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ để có thể phê duyệt nhanh và tự động cho các khoản vay. Hiện tại trên thị trường đã có khoảng 10 đơn vị tham gia vào thị trường, trong đó có cả những tổ chức tài chính lớn ở Việt Nam. 

"Nếu như HENO mất khoảng 3 - 4 tháng để xây dựng và tối ưu hệ thống, thì các nhà cung cấp mới khác sẽ phải mất từ 6-12 tháng để có được một hệ thống tương tự. Do đó, tôi dự đoán đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, thì thị trường BNPL mới thực sẽ bùng nổ, dù trước đó họ đã cung cấp thử nghiệm dịch vụ", ông Nam Anh nói.

COVID-19 cũng là một yếu tố khác khiến thị trường BNPL bùng nổ ở Việt Nam. Dịch bệnh đã tạo điều kiện kinh doanh cho rất nhiều dịch vụ, trong đó có fintech. Để rồi, khi khách hàng đã quen với việc mua hàng, thanh toán trực tuyến thì sẽ có xu hướng ưa chuộng những dịch vụ mua sắm trả góp dựa trên công nghệ như mô hình BNPL. Nhất là đối với thế hệ Z (Gen Z) và độ tuổi từ 25 - 35 tuổi, những người đã có hành vi chi tiêu qua mạng, thường xuyên ứng dụng công nghệ và có thói quen tự động thanh toán qua các nền tảng. 

"Đó là lý do quan trọng cho sự thúc đẩy các giải pháp thanh toán trực tuyến (online) mạnh mẽ trong thời gian qua, trong đó có mô hình BNPL", ông Nam Anh chia sẻ thêm.

Rủi ro "bẫy nợ" khi người dùng mua sắm quá nhiều và "biến tướng" của mô hình

Cũng theo Giám đốc điều hành của HENO, rủi ro lớn nhất của mô hình BNPL ở Việt Nam là về khả năng thanh toán. Bởi vì, do mô hình này rất tiện dụng nên khách hàng dễ tiếp nhận nó, dẫn đến rơi vào trạng thái chi tiêu và mua sắm quá mức. Từ đó dẫn đến việc nhiều khoản "trả góp" nhỏ dẫn đến việc "nợ" lớn, không kiểm soát được lộ trình thanh toán, rơi vào vòng xoáy chi tiêu, nhất là trong trường hợp hạn thanh toán dồn dập cho các nhà cung cấp cùng vào một thời điểm. Cuối cùng, các nền tảng sẽ tự tạo rủi ro cho nhau, khi khách hàng trả cho đơn vị này và "nợ" nhà cung cấp kia. 

"Các đơn vị BNPL sẽ không thể thu hồi được các khoản nợ của khách hàng, khi mà mô hình BNPL không kết nối được với cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia (CIC) mà thường sử dụng những mô hình đánh giá rủi ro riêng. Rủi ro này tỷ lệ thuận với sự phát triển của mô hình BNPL ở Việt Nam", ông Nam Anh chia sẻ thêm.

Chưa kể đến, điều này có thể sẽ dẫn đến một số vấn đề tiêu cực khác như mua bán, xử lý nợ xấu từng gây bức xúc trong dư luận thời gian trước. Thị trường càng nhiều ứng dụng BNPL gia nhập thì nguy cơ "bẫy nợ" với khách hàng sẽ càng lớn. Hậu quả là các nền tảng sẽ vất vả để giải quyết cái bẫy mà mình đã giăng ra, nhất là với những đơn vị sẵn sàng dùng tiền để đổi lấy thị trường, bất chấp rủi ro, giống như câu chuyện "thả gà ra đuổi". "Khi đó, thị trường sẽ không còn bền vững, sớm nở chóng tàn và những lợi ích đem lại của mô hình BNPL cũng sẽ không còn nữa", ông Nam Anh nhận định.

Khi được hỏi về sự khác biệt về rủi ro về ngành bán lẻ mà nhiều ứng dụng BNPL đang lựa chọn so với ngành CSSK mà HENO đang phục vụ, ông Nam Anh khẳng định, dù là lĩnh vực nào thì cũng đều có những rủi ro tương tự như nhau, nếu cùng tuân thủ nguyên tắc chung như quy trình đánh giá, có khung đảm bảo rủi ro… Bởi vì, trong thị trường tài chính sẽ luôn có một nhóm khách hàng trục lợi, sẵn sàng trở thành nợ xấu hoặc "bùng" các khoản nợ. 

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành y tế, HENO có sự am hiểu về dịch vụ, kiến thức ngành, điều này cũng giúp HENO tối ưu mô hình quản trị rủi ro của mình. Hơn nữa, đối tượng khách hàng của lĩnh vực này cũng giúp HENO tự tin cung cấp dịch vụ.

20221216-pg5.jpg

Một rủi ro khác là việc một số đơn vị đã biến tấu, thay đổi bản chất của mô hình BNLP, giống như câu chuyện của dịch vụ kinh tế chia sẻ. Thay vì khách hàng hưởng lợi và là trung tâm dịch vụ như mô hình BNPL, một số startup đã bắt người dùng phải chịu những khoản phí nhất định để được mua trước trả sau. Điều này sẽ gây ra những bất lợi nhất định trong việc giới thiệu thị trường, làm người dùng hiểu sai về một mô hình mới như BNPL, khi có ứng dụng thì nói không thu phí khách hàng, nhưng nền tảng khác lại thu phí sử dụng dịch vụ. Dẫn đến việc khách hàng hiểu BNPL cũng giống như mô hình trả góp truyền thống.

Mặc dù có những rủi ro như vậy, nhưng theo ông Nam Anh, trên thế giới vẫn đang ghi nhận sự tăng trưởng tốt của các nền tảng BNPL). Tiêu biểu như nền tảng Klarna (châu Âu), Affirm (Mỹ), Afterpay (Úc) và hàng loạt các nhà cung cấp khác trên khắp thế giới đều đang hoạt động đúng chuẩn theo mô hình BNPL.

Bên cạnh đó, HENO có kế hoạch cho một bài toán rất dài là là tạo ra một hệ sinh thái những nhà cung cấp dịch vụ y tế, CSSK và làm đẹp chất lượng tại Việt Nam. DN cũng đã chuẩn bị cho những rủi ro về mặt pháp lý cũng như mô hình để HENO có thể đứng vững trong tương lai trong bất kì trường hợp nào.

Cần có quy định đặc thù cho riêng mô hình BNPL ở Việt Nam

Ông Nam Anh khẳng định những quy định hiện nay vẫn mở cửa cho sự phát triển của mô hình BNPL ở Việt Nam. Các startup không gặp nhiều rào cản về pháp lý khi muốn tham gia thị trường. Mặc dù việc này tạo điều kiện tự do cho thị trường bùng nổ, nhưng nếu cơ quan quản lý đưa ra khung pháp lý, định nghĩa mô hình… thì sẽ giúp cải thiện mô hình chất lượng hơn, tránh việc núp bóng làm người dùng hiểu sai về dịch vụ BNPL ở Việt Nam.

Về kiến nghị, ông Nam Anh cho rằng, nếu có một quy định riêng cho mô hình BNPL ở Việt Nam thì sẽ giúp tạo ra một luật chơi chung, một môi trường kinh doanh lành mạnh để cho các nhà cung cấp phát triển. Khi đó, quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được đảm bảo và những rủi ro cũng được giảm xuống thấp nhất, tạo điều kiện cho sự phát triển và cung cấp dịch vụ đến nhiều khách hàng nhất.

Lời khuyên cho người dùng để tránh "bẫy nợ" khi không kiểm soát được tài chính, theo Giám đốc điều hành của HENO, đầu tiên, khi mua sắm, người dùng cần phải cân nhắc xem họ có cần phải mua, sử dụng dịch vụ đó hay không. Tiếp theo, khách hàng cần kiểm tra lại tài chính xem bản thân mình có khả năng chi trả dịch vụ đó, tránh ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng và hành vi tiêu dùng. 

"Cuối cùng, người sử dụng cần tìm hiểu và lựa chọn nhà cung cấp BNPL chất lượng để mua sắm và tận hưởng dịch vụ", ông Nam Anh kết luận.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top