Ví MoMo không liên quan đến thử thách cùng tên
Thông tin gần đây về trường hợp một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai tử vong, nghi là do học theo một thử thách nguy hiểm lan truyền trên các nền tảng số được báo chí đề cập, ví MoMo cho biết trước tiên đồng cảm và xin chia sẻ nỗi đau này với gia đình em. Thứ hai, công ty xin khẳng định ví điện tử MoMo hoàn toàn không liên quan gì đến thử thách nguy hiểm này.
Thương hiệu Ví điện tử MoMo (MoMo viết tắt của từ Mobile Money) là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Đây là nền tảng cung cấp phương thức thanh toán, mua sắm, đóng góp từ thiện... trên điện thoại thông minh. Hiện nay, người dùng có thể sử dụng Ví MoMo để thanh toán hàng trăm sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu 24/7 của người dùng như: Tài chính tiêu dùng, Bảo hiểm, Giải trí, Thương mại điện tử, Mua sắm, Vận tải và dịch vụ ăn uống, Quyên góp - Từ thiện…
Ví điện tử MoMo là ứng dụng trên nền tảng di động do công ty M_Service phát triển và vận hành để cung cấp dịch vụ Ví điện tử và các dịch vụ trung gian thanh toán khác được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép triển khai dưới thương hiệu Ví MoMo.
Hiện nay, mọi hoạt động liên quan đến thương hiệu đều được MoMo thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam. Qua sự việc lần này, đại diện MoMo cho biết sẽ có thêm những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ thương hiệu của mình. Đồng thời, có thêm nhiều những hoạt động truyền thông giúp thương hiệu Ví MoMo gần gũi, phổ biến hơn nữa với người dân Việt Nam.
Ủng hộ việc xây dựng hệ sinh thái số lành mạnh cho người Việt
Ví MoMo phản đối các thử thách, hoạt động nguy hiểm gây tổn hại về thể chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, đối tượng mà thử thách nguy hiểm nói trên nhắm đến là các em nhỏ - đối tượng dễ bị ảnh hưởng, tác động. Qua đây, Ví Momo khuyến nghị các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn việc cho trẻ sử dụng đồ công nghệ phù hợp với lứa tuổi, cũng như các tương tác trực tuyến của trẻ để bảo vệ con em trong môi trường Internet.
"Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng hệ sinh thái số lành mạnh cho người Việt Nam. Song song, chúng tôi mong muốn có những hỗ trợ để khuyến khích xây dựng, lan tỏa các nội dung lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên môi trường số".
Thử thách Momo lần đầu xuất hiện vào tháng 7/2018 trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp dưới dạng một tài khoản với hình đại diện là MotherBird. Nhiều người đã thách đố nhau nhắn tin với tài khoản này và làm theo những gì nó yêu cầu. Trò chơi bắt đầu được gọi với cái tên Momo Challenge (Thử thách Momo). Sau đó, Momo Challenge dần lan rộng ra các mạng xã hội khác, trong đó có YouTube.
Tháng 2/2019, hình tượng Momo (đầu người và mình chim) trong thử thách nguy hiểm này xuất hiện ẩn bên trong các video giả mạo các nhân vật hoạt hình, tựa game nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig,...
Các video về hình tượng Momo trên YouTube được lồng giọng nói đã được chỉnh sửa, hướng dẫn người xem thực hiện những thử thách khủng khiếp, hầu hết là những hành động quậy phá như làm hỏng lò vi sóng, nghịch lửa bếp gas, thậm chí là hướng dẫn cách cứa cổ tay hay treo cổ tự vẫn… kèm theo nhiều lời đe dọa. Những video này đã gây một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới vì tác động tâm lý tiêu cực đến trẻ em.
Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, cần tập trung sáng tạo các nội dung tạo hệ sinh thái an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Trên cơ sở đó, trong phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" tháng 5/2020, ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, cho biết: Khi tham gia môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Mặc dù hành lang pháp lý quy định khung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ, các quy định, hướng dẫn cụ thể còn thiếu.
Môi trường mạng còn tồn tại nhiều thông tin, hình ảnh, video clip xấu; thiếu các chương trình dạy kỹ năng công nghệ số, nội dung số bổ ích để trẻ có thông tin, được tham gia an toàn trên môi trường mạng.
Do vậy, ông Hoàng Minh Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Đề án về trẻ em trên môi trường mạng với các giải pháp liên ngành là rất cần thiết và cấp bách.
Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em bằng công nghệ. Để làm việc đó, theo ông Tiến, cần thiết phải có những giải pháp đột phá hơn. Trong đó, triển khai ứng dụng công nghệ là trọng tâm của Đề án, hình thành các nền tảng phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện, cảnh báo nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em trên môi trường mạng.